Anh cũng không ngần ngại kể về những phi vụ “hành tẩu giang hồ” của mình. Chính vì thế mà cái chất lãng tử, cái máu giang hồ, ngang tàng ngấm vào người anh tự nhiên như hơi thở...
Hai vợ chồng Võ Hoài Nam.
Lộc nghề...
Bố mẹ Võ Hoài Nam ly hôn khi anh mới được 2 tuổi, về sống với bố chưa được bao lâu thì bố lấy vợ mới. Kể từ đó, Võ Hoài Nam sống như một đứa trẻ không có gia đình, lớn lên tự nhiên như cây cỏ, cùng sự đơn độc, luôn gồng mình để đề phòng vì không có ai bảo vệ anh ngoài chính mình. Quãng đời thanh, thiếu niên của Nam gắn liền với đánh nhau và ngồi đồn cảnh sát. Thậm chí Nam đã bị trục xuất về nước khi đang lao động ở nước Nga chỉ vì dám đánh… người Nga.
Khi được mời đóng phim, Võ Hoài Nam gần như không phải diễn vì những thứ tồn tại trong con người anh đều rất hợp với vai diễn ấy. Đóng phim không nhiều nhưng những phim có sự tham gia của Nam đều là những bộ phim rất chất: “Vua bãi rác”, “Cảnh sát hình sự”, “Song Hùng kỳ dị”... Thậm chí anh đã từng giành được một giải thưởng điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương và cũng đã kịp… “lận lưng” cho mình danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trước khi rời xa phim trường.
Dù thời gian “lặn ngụp” trong nghề diễn của Nam không nhiều nhưng Nam đã nhận được khá nhiều “lộc”, đặc biệt nhất phải kể đến là cơ duyên gặp gỡ người vợ, người mẹ của các con anh trong một lần được mời đóng quảng cáo. Vừa gặp, anh đã cảm mến cô diễn viên múa Lan Anh, người đóng cặp cùng mình trong một vai diễn ngắn ngủi.
Tình yêu nảy nở giữa một gã trai đã trải nghiệm những cực nhọc nhất của đời người với cô gái vừa bước vào tuổi 18 đầy thơ mộng không được nhiều người đồng tình. Đơn giản vì mọi người đều sợ, đều lo lắng Lan Anh sẽ khổ nếu vướng vào “gã bụi đời” ấy. Nhưng cô gái trẻ ấy vẫn quyết tâm đến với Võ Hoài Nam. 3 năm sống với nhau, khổ cực trăm bề, cùng nhau chia sẻ một gói mỳ tôm nhưng Lan Anh vẫn không rời xa Hoài Nam. Thậm chí, cô còn từ bỏ nghiệp múa đang rộng mở với mình chỉ vì quan điểm “gia đình là ưu tiên lớn nhất” của Võ Hoài Nam.
Gia đình hạnh phúc của Võ Hoài Nam.
Vợ là số 1!
Anh kể, ngày ấy mỗi lần Lan Anh đi chợ về là gương mặt lại nhìn như bị mất hồn, anh hỏi thì cô chỉ bảo “mọi người nói về anh rất ghê”... Nam không thanh minh vì chính anh cũng không có gì để phân bua, bởi hoàn cảnh gia đình đã đẩy đưa khiến anh phải chịu những ánh nhìn không thiện cảm của người đời. Nam bảo, đứng trước gương mặt của Lan Anh, anh không biết phải nói gì cả, vì bản thân anh lúc ấy vẫn trắng tay, nghề nghiệp thì không ổn định, lý lịch thì không lấy gì làm đẹp đẽ... Anh không dám hứa hẹn gì với cô gái trẻ trung, xinh đẹp liền tỏ thái độ bất cần: “Anh chỉ có thế thôi, em theo anh được thì theo”.
Không ngờ câu nói dỗi hờn, ra vẻ bất cần ấy của Nam lại khiến Lan Anh có được động lực lớn, quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với Nam. Cưới nhau rồi, mọi người xung quanh vẫn thi thoảng lại khứa vào quá khứ lỗi lầm của Nam để Lan Anh phải gồng mình lên, vượt qua mọi dư luận, chỉ tin vào Võ Hoài Nam lúc bấy giờ chứ không phải gã Nam bụi đời, tiếng tăm bất hảo ngày trước.
Không thể lập nghiệp ở Hà Nội, hai vợ chồng Nam đưa nhau vào TP Hồ Chí Minh mở quán cafe. Nhưng kinh doanh chưa được bao lâu thì anh lại đưa vợ về Hà Nội, mở quán nhậu. Hai vợ chồng bỏ điện ảnh, phim trường, nhà hát để cùng chung một “cái bếp”, để cùng nhau lo tài chính cho gia đình. Võ Hoài Nam chia sẻ: “Bất hạnh nhất của một gia đình là phải lo từng bữa ăn. Thế nên vấn đề tiền bạc quan trọng lắm, tôi thiếu tiền thì tôi phải kiếm tiền, không thể trông chờ vào phim ảnh được, phù du lắm”.
Với những người đàn ông khác, tình thương dành cho con thường nhiều hơn dành cho vợ nhưng với Nam, người vợ mới chính là món quà lớn nhất mà cuộc đời dành cho anh. Vợ là thứ nhất rồi mới đến con. Có thể hiểu vì sao với Võ Hoài Nam, Lan Anh luôn ở vị trí số 1, bởi cô chính là người đã cùng anh vượt qua những đắng cay, những cái nhìn định kiến của người đời và cùng anh gây dựng một gia đình dẫu chưa phải là quá hoàn hảo nhưng cũng là niềm ghen tị của khá nhiều người với 4 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn.
Lựa chọn cân não “nghề diễn hay gia đình”
Chỉ tham gia phim trường vài năm nhưng những dấu ấn mà Nam để lại rất đặc sắc. Nhưng rồi phim ảnh, nghề diễn chẳng thể giữ nổi anh. Nam vẫn vậy, thẳng thắn vô cùng trước mỗi câu hỏi của phóng viên. “Tôi không tài giỏi đến mức vừa giúp vợ vừa làm nghệ thuật tốt vừa tránh được những cám dỗ cuộc sống. Nghệ sĩ hay xúc động vặt, mà xúc động nhiều thành chuỗi và nó trở nên hỏng. Làm trong nghề nên tôi hiểu nghề, tôi buộc mình và cô ấy phải lựa chọn, hoặc là nghề hoặc là gia đình. Và chúng tôi đã hy sinh tất cả để dựng xây, gìn giữ gia đình của mình”.
Nam tâm sự, có nhiều lời mời đóng phim trở lại nhưng anh thường từ chối dù biết từ chối nhiều thì cơ hội sẽ ít dần đi “Nhưng không sao, vì tôi có quan điểm riêng, nếu nhận lời đóng phim sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng, đã ảnh hưởng đến gia đình thì không nên làm. Bởi mình là người cha, là đầu tàu thì phải chăm chút cho cả đoàn tàu, nếu đi chệch, cả đoàn sẽ chệch theo, lúc đó có hối cũng không kịp”.
Rồi Nam lại thành thật: “Cứ nghĩ thế này cho dễ. Nếu tôi nhận lời đi đóng vài phim, một năm xa nhà đến vài ba tháng, có thể công việc đạt được thành công nào đấy nhưng gia đình thì để cho ai, thậm chí mình đứng trước nguy cơ đánh mất gia đình. Đó là chưa kể để có một kịch bản hay cũng không phải dễ, làm phim xong mà dở, chiếu lên có khi lại đánh mất cả 20 năm làm nghề. Giữa cái được và cái mất, tôi luôn cân đo, đong đếm cẩn thận và đưa ra quyết định đúng đắn nhất”.
Nam tâm sự: “Không có gì lớn hơn gia đình, nếu không hy sinh cho gia đình thì tôi có thể đánh mất lúc nào không biết. Cặm cụi mấy chục năm mới có một gia đình mà mất đi thì không được. Cuộc sống tôi đủ khổ cực khi không có gia đình rồi”.
Nhiều người đoán chắc gia đình Nam phải có gì đặc biệt lắm mới “trói” được chân “gã bụi đời” năm xưa. Nhưng Nam bảo, gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác, vẫn có những sóng gió ập vào bất thình lình, vẫn có những va chạm nhỏ xảy ra, cái khác duy nhất chính là quan điểm của người chồng về gia đình như thế nào. Nam tự hào: “Tôi là người đàn ông quan niệm khác. Tôi không phải là người vì hào quang, tên tuổi, vì những thú vui mà có thể quên đi gia đình. Mình không thể xem thường những gì mình đã có trong túi bởi những cái nằm trong túi ấy không dễ giữ đâu. Một khi đã mất đi thì không thể lấy lại được”.
Rồi anh trầm ngâm: “Đã đi qua nửa đời người, tôi nghiệm ra rằng, cuộc sống đừng để chữ “phải” dẫn đầu vì như thế sẽ nhanh già, nhanh chết. Chúng ta hãy làm cái gì chúng ta thích. Giống như vợ tôi ngày trước ấy, lúc quyết định lấy tôi, cô ấy thích cô ấy mới làm. Cô ấy không phải lấy tôi vì tôi có cái nọ, có cái kia. Chúng tôi đến với nhau trong lúc khó khăn nhất, vì thích được quyết định cuộc đời mình nên tình cảm thực sự bền vững và xây dựng được một gia đình với đàn con 4 đứa, lũ trẻ đều thông minh và ngoan ngoãn, dễ thương. Tôi thích nhiều con nên mới đẻ nhiều đấy. Tôi thích ngồi nhậu, chia sẻ với bạn bè nên tôi mới ngồi chứ không phải vì phép lịch sự mà mình phải tiếp khách. Đúng là được làm những gì mình thích, cảm giác sung sướng vô cùng, dù có vất vả, khó khăn đến đâu”.
Chia tay “gã giang hồ” Võ Hoài Nam, tuổi thơ khó nhọc của gã ám ảnh tôi từ những ngày mới đọc tin tức về gã gần như biến mất. Bởi gã đã biết vận dụng, hóa giải những bất hạnh từ thuở nhỏ để xây dựng nên một gia đình mà gã hết mực yêu thương và trân trọng. Điều này không phải người đàn ông nào cũng có đủ bản lĩnh để làm.