Nghệ sĩ Thanh Hằng: "Nếu được chọn lại tôi vẫn kết duyên với cải lương"

Là một trong những diễn viên đầu tiên đoạt giải Trần Hữu Trang (năm 1991), nghệ sĩ (NS) Thanh Hằng được biết đến là cô đào có sắc vóc đẹp, giọng ca ngọt ngào, truyền cảm và khả năng biểu diễn đa dạng của sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Thanh Hằng: "Nếu được chọn lại tôi vẫn kết duyên với cải lương"

Gần bốn mươi năm gắn bó với cải lương, NS Thanh Hằng đã có “gia tài” với hơn hai trăm vai diễn ở những tuồng cải lương nổi tiếng: Duyên kiếp, Truyền thuyết tình yêu, Xử án Trần Thế Mỹ, Người đẹp Bạch Hoa thôn, Giọt lệ cố nhân, Nỗi oan hoàng hậu, Phạm Công - Cúc Hoa, Gia tài của mẹ, Xử án Bàng Quý Phi...

Nghe si Thanh Hang:

NS Thanh Hằng

Là con gái của đôi NS Hương Huyền - Kim Hoa và thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc Hai Núi, một trong những gia tộc nổi tiếng của sân khấu cải lương Việt Nam, NS Thanh Hằng có lẽ là người duy nhất trong bốn chị em gái (Thanh Hằng, Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc và NSƯT Thanh Ngân) thừa hưởng gen nghề của cả dòng tộc.

Ông cố Hai Núi - một trong những NS tiên phong với phong cách hát bội pha cải lương, ông ngoại là kép hài, bà ngoại - NS Tư Hélène nổi tiếng với những vai đào mùi, mẹ - NS Kim Hoa lại chuyên đảm nhận những vai đào độc, đào lẳng. “Cộng gộp” tất cả những yếu tố đó, NS Thanh Hằng có thể thể hiện tốt tất cả các dạng vai từ đào mùi, đào lẳng đến đào độc, đào tính cách, đào mụ…

- Chào chị, nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hết thắc mắc khi cách đây mười lăm năm chị bỗng nhiên bỏ tất cả để theo chồng định cư ở Úc khi đang là cô đào đắt show nhất cải lương lúc bấy giờ.

- Ngày đó tôi bị đặt giữa hai sự lựa chọn, gia đình hay nghề nghiệp. Khi ấy, cả hai đều như máu thịt bởi nghề hát đã ăn vào máu tôi từ trong bụng mẹ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định chọn gia đình, bởi cuộc đời tôi đã quá truân chuyên. Cha mẹ ly hôn, từ nhỏ tôi đã phải sống với nội, lớn lên một chút thì ở với gia đình cô dượng.

Mười hai tuổi đã một mình rong ruổi với các đoàn hát. Rồi gia đình lại ly tán. Tôi đã quá hiểu cảm giác sự cô đơn và khao khát một mái ấm gia đình. Tôi từng hứa với lòng, khi có được một gia đình êm ấm, tôi sẽ làm tất cả, sẵn sàng từ bỏ tất cả để giữ cho mình và cho các con một mái ấm. Khi đã quyết định, tôi vẫn rất sợ mình dao động trước ý kiến của những người xung quanh.

Tôi âm thầm hoàn tất thủ tục giấy tờ, từ chối lời mời của các bầu show với lý do cần giải quyết việc gia đình… cho đến ngày gần lên máy bay.

Nghe si Thanh Hang:

NS Thanh Hằng phụ diễn cho DV Puka trong chương trình Cười Xuyên Việt

- Chị mất bao nhiêu lâu để có thể thích nghi với điều đó?

- Lúc mới sang Úc, hai con đều còn nhỏ, tôi đã xác định sẽ chuyên tâm làm “bà nội trợ”, lo cơm nước, đưa đón con đi học… Nhưng ở Úc rồi, mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Cả ngày bận bịu, có lúc tôi tạm quên, nhưng khi chồng con đã về nhà, sau bữa cơm chiều, lòng tôi luôn có những cảm giác khó tả.

Không nhớ bao nhiêu lần tôi phải chạy vào nhà tắm, mở nước thật lớn để tiếng nước chảy át đi tiếng khóc. Tôi không dám xem, không dám nghe bất kỳ chương trình cải lương nào của Việt Nam. Có lúc tiếng đàn vừa vang lên, tôi phải vội tắt ti vi và nghe lòng quặn thắt.

Thời điểm sang Úc được khoảng sáu tháng, tôi được mời lên trường học của con gái lớn để nghe nói về chuyện học hành của con. Tôi không biết tiếng Anh nên phải chờ người phiên dịch. Ngồi chờ hơn một tiếng đồng hồ vì người phiên dịch giúp miễn phí và chỉ có thể đến trường sau giờ làm việc.

Thầy giáo của con thì sốt ruột đi tới, đi lui, vẻ mặt đầy lo lắng, tôi thì ngơ ngác vừa lo sợ, vừa ái ngại vì không biết chuyện gì xảy ra… Sau đó, dù đã được con giải thích thầy áy náy vì thấy tôi phải ngồi chờ quá lâu, nhưng thấy lòng mình ngổn ngang những nỗi buồn, tủi… tôi đã òa khóc. Ngay hôm đó, tôi nhận ra rằng, mình không thể tiếp tục cuộc sống bằng những nỗi buồn, bằng cảm giác hụt hẫng kéo dài.

Hơn nửa đời người, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu cung bậc thăng trầm, khổ đau, nước mắt, vinh quang… Cuộc sống của tôi bây giờ là gia đình, là con cái và đó cũng chính là sự chọn lựa của tôi. Như tỉnh giấc sau cơn mê, tôi bắt đầu đi học lái xe, học tiếng Anh, học nghề… và quan trọng nhất là học cách thích nghi với cuộc sống mới.

Nghe si Thanh Hang:

NS Thanh Hằng và con gái út

- Nhiều NS sau một vài năm ổn định cuộc sống sẽ trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật, còn chị, vì sao chị phải chờ đến mười lăm năm?

- Cũng có vài lần tôi nhận được lời mời tham gia chương trình cải lương, phim ảnh ở Mỹ và Việt Nam. Có lúc tôi kiên quyết từ chối, nhưng cũng có lúc “thèm diễn” quá, tôi nhận lời. Tôi lao vào sắp hành lý bằng tất cả sự hào hứng, vui mừng và cả sự tưởng tượng giờ phút mình được trở lại sân khấu, được nghe tiếng đàn…

Nhưng khi mọi thứ sắp xếp đâu đó, tôi lại giật mình nghĩ đến gia đình, đến những lúc chồng con về nhà không ai cơm nước… Rồi nghĩ đến cả những chuyện không may có thể xảy ra với các con trong thời gian tôi đi xa. Vậy là lại hủy chuyến đi.

Có lẽ số tôi vất vả, nhưng cũng có thể cuộc sống phải trải qua quá nhiều biến cố khiến tôi lúc nào cũng trong tâm trạng sợ mất những gì đang có. Mãi cho đến đầu năm 2016, khi hai con gái đã trưởng thành, ông xã cũng đã nghỉ hưu, tôi mới mạnh mẽ “buông” gia đình để quay về Việt Nam làm nghề.

- Mười lăm năm, nhịp dừng quá dài so với cuộc đời người NS, có bao giờ chị thấy tiếc?

- Trong tôi luôn khắc khoải nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu, nhưng chưa bao giờ hối tiếc, bởi đó là chọn lựa của tôi. Cho đến giờ, tôi càng tin hơn bao giờ hết rằng: hãy cứ sống cho thật tốt, hãy làm những điều theo lẽ phải, những cánh cửa sẽ không bao giờ khép lại với mình.

Học xong khóa đào tạo nghề làm móng, đi làm không bao lâu, tôi phải nghỉ vì chứng bệnh bẩm sinh ở các đốt sống khiến tôi không thể ngồi lâu. Cơ duyên khác cho tôi gặp một khán giả từ khi còn ở Việt Nam để chúng tôi trở thành những người thân thiết và tôi trở thành người quản lý quán nước của cô ấy.

Cũng chính ở đây, tôi đã gặp lại những người bạn, người em đồng nghiệp cũ trong những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, dù đó không phải là lần đầu tiên tôi gặp lại những đồng nghiệp quê nhà sang Úc biểu diễn. Và cơ duyên ấy đã đưa tôi trở về với niềm đam mê máu thịt. Tôi từng nghĩ mình đã hết duyên với nghiệp tổ, nhưng không phải. Chỉ là tôi phải đi một đường vòng, giống như sự thử thách trước khi tôi trở lại với “mái nhà xưa”.

Ở Úc không có nhiều chương trình biểu diễn như ở Mỹ mà chỉ có những chương trình biểu diễn quyên góp cho hoạt động từ thiện. Tôi bắt đầu tham gia những buổi đi hát ở chùa và không còn “sợ” nghe tiếng đàn, lời ca. Tôi có thể tập ca bất kỳ lúc nào: lúc lái xe đưa đón con đi học, khi đi bộ tập thể dục ở công viên gần nhà.

Về Việt Nam, được hòa mình trong các hoạt động nghệ thuật, tôi như cá về với nước. Là con nhà nòi, lớn lên với lời ca tiếng đàn, ca diễn với tôi giống như bản năng… cộng thêm nỗi nhớ và khát khao dồn nén suốt mười lăm năm, giờ chỉ cần nghe tiếng đờn rao là tôi bật thành lời ca; nghe hô “diễn” là hình dung liền vai diễn để được khóc cười với nhân vật.

Nghe si Thanh Hang:

NS Thanh Hằng và hai con gái

- Nhiều khán giả và cả người làm nghề cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy chị hòa nhập khá nhanh với đời sống nghệ thuật trong nước…

- Tôi lại nghĩ ngược lại Cho đến giờ tôi vẫn đang phải học cách trở lại với khán giả, với sân khấu, phải làm sao để mình không cũ kỹ trong mắt công chúng. Tôi phải học, phải cập nhật mỗi ngày từ các đồng nghiệp cùng thế hệ hoặc các em mới trưởng thành sau này, thậm chí tôi có thể học được rất nhiều điều thú vị từ chính thí sinh các cuộc thi mà tôi làm giám khảo.

- Cảm nhận của chị về sân khấu cải lương ở TP.HCM sau mười lăm năm?

- Cải lương đã đi một chặng đường dài, trên đường đi của mình, cải lương khó tránh khỏi những cách làm sai sót. Chẳng hạn một thời cải lương đã quá lạm dụng các chương trình video. Khi rộ lên các chương trình video, khán giả bắt đầu mất dần thói quen đến sân khấu.

Khán giả không quên cải lương, cải lương không mai một. Vấn đề hiện nay là những người làm cải lương phải tìm cho ra chìa khóa để đưa cải lương đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Riêng các NS, diễn viên nỗ lực càng phải nhiều hơn gấp bội, nhất là lớp diễn viên trẻ, bởi các em là những người góp phần không nhỏ trong việc quyết định sự sống còn của cải lương.

Với tôi, bằng linh cảm của một người NS, tôi có một niềm tin đến kỳ lạ rằng cải lương sẽ trở lại đầy ngoạn mục trong năm 2017.

- Có những ý kiến cho rằng khán giả bây giờ không mê cải lương vì diễn viên hiện nay không hay như NS ngày xưa?

- Các bạn trẻ bây giờ nhiều người rất giỏi, thông minh và có nhiều điều kiện tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật hiện đại để tích lũy thêm vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều các em còn thiếu là trải nghiệm, vốn sống.

Thêm một yếu tố khác, thế hệ chúng tôi, đa phần NS đều là con nhà nòi, trong khi diễn viên trẻ hiện nay phần đông lại là “tay ngang”, bắt đầu đến với cải lương sau khi được phát hiện từ một cuộc thi nào đó.

Thời chúng tôi, dường như người NS không bao giờ gục ngã trước bất kỳ khó khăn nào, từ đi diễn vùng sâu, vùng xa, vượt qua bão lũ... đến ăn cơm hội với những bữa ăn đạm bạc, với những món ăn lẫn toàn cát bụi do có một cơn gió lốc mạnh đi qua khi chị nuôi đang nấu nướng trong một cái chảo cực đại mà không có cái nắp nào có thể đậy vừa…

Dù là con nhà nòi thì mỗi NS đều phải trải qua giai đoạn đóng tỳ nữ, bưng rượu… suốt hai ba năm mới được lên đào ba, rồi đến đào nhì trước khi trở thành đào chánh. Trải nghiệm của cả cuộc đời lẫn sân khấu cho thế hệ NS chúng tôi những vốn sống, cảm xúc để hóa thân vào nhân vật đầy đặn hơn.

Con đường nghề gập ghềnh, chông gai, trắc trở giúp chúng tôi biết trân trọng những gì mình đạt được và là lời nhắc nhở không bao giờ được phép hài lòng với chính mình. Đi trên một con đường quá bằng phẳng chưa chắc là lợi thế.

Nhưng dù có nhiều trải nghiệm, dù có tài năng đến mấy thì NS không thể mãi mãi là số một. Tôi quan niệm, nghệ thuật luôn đòi hỏi sự kế thừa và để có thể làm được điều này phải là nỗ lực từ cả hai phía: những người đi trước và những diễn viên trẻ. Tôi ước ao được làm nhịp cầu nối để đưa các em trẻ bước về phía trước. Nhưng ở chiều ngược lại, các em cũng phải biết tự rèn luyện và nỗ lực không ngừng.

Nghe si Thanh Hang:

NS Thanh Hằng luôn đầy ắp lửa nghề mỗi khi được đứng trên sân khấu

- Nghe chị nói chuyện, thấy tình yêu chị dành cho cải lương vẫn đong đầy, nhưng lần này về nước lại chỉ thấy chị tham gia gameshow. Trong khi đó, gameshow đang bị một bộ phận những người làm nghề và khán giả phản ứng?

- Điều gì cũng có hai mặt. Gameshow bị phản ứng vì thực tế đã có một số gameshow thiếu sự chăm chút, thậm chí có những tiết mục gây phản cảm. Một số diễn viên trẻ mải mê gameshow mà lơ là tập luyện cho sân khấu, thậm chí làm hoạt động của sân khấu bị xáo trộn. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những gameshow được đầu tư tốt cả về hình thức lẫn nội dung.

Riêng với những gameshow có yếu tố tài tử, cải lương, tôi cho rằng sẽ có những đóng góp tích cực cho hoạt động của sân khấu cải lương hiện nay. Khi khán giả cải lương có thói quen “mặc định” yêu mến những NS tên tuổi và khó lòng chấp nhận những diễn viên mới thì gameshow là cơ hội để khán giả có thể nhìn nhận lại một cách trung thực nhất tài năng của một lớp diễn viên trẻ của sân khấu cải lương.

Riêng với các em, gameshow như một cuộc sát hạch gay go, căng thẳng, đánh giá lại thực lực và khả năng của từng em. Đôi lúc những thành công dễ dàng trong nghề nghiệp khiến các em quên nỗ lực và chưa xác định đúng vị trí, tài năng của mình trong nghề. Cọ xát ở một gameshow với các “đối thủ” đều là những diễn viên chuyên nghiệp cũng là cách để các em nhìn lại chính mình và hiểu hơn yếu tố khổ luyện để tìm được một vị trí trong lòng khán giả.

- Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.