Không diễn hài nhiều vì thấy ai cũng làm diễn viên được
Là một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng từ năm 2001, anh đã đảm nhiệm vai trò Đội trưởng Đội diễn viên của Nhà hát chèo Quân đội. Tính ra, thời gian làm quản lý của anh nhiều hơn làm nghề. Có khi nào vì thế mà các vai diễn của anh không có nhiều?
- Tôi vẫn làm công việc chuyên môn đấy chứ, chỉ là không tập trung diễn xuất như trước thôi. Dàn dựng các chương trình cho nhà hát cũng là chuyên môn mà. Như mấy hôm nay, Nhà hát đang bận rộn với lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, tôi vừa làm đạo diễn cho chương trình, vừa dàn dựng một hoạt cảnh chèo.
Theo anh thì một nghệ sĩ Quốc Trượng khác với một nhà quản lý Quốc Trượng ở điểm nào?
- Với một người nghệ sĩ thì không gì bằng được đứng trên sân khấu. Bản thân tôi cũng thế thôi, nhiều khi cũng tiếc nhớ khoảng thời gian làm diễn viên lắm. Nhưng đây là nhiệm vụ cấp trên giao thì phải thực hiện và phấn đấu.
Dù không đứng trên sân khấu nữa nhưng tôi vẫn sống trong bầu không khí của chèo hàng ngày, chỉ là ở vai trò khác mà thôi. Sự đặc thù trong quản lý đôi khi khiến cho chất nghệ sĩ phải được kìm nén, lắng xuống chứ không thể vui vẻ thoải mái, ào ào như trước được.
Người nghệ sĩ chỉ nên “say” ở trên sân khấu thôi để biết phân biệt, lúc nào làm nghề, lúc nào là đời thực. Nhiều người làm nghề thế nào thì ra đời cũng “diễn” lại như thế thì sẽ không tốt.
Hơn 20 năm trong nghề, nổi tiếng với vai hề chèo nhưng nếu mổ xẻ ra thì yếu tố để khán giả biết đến anh nhiều nhất lại chính là những vai hài trên truyền hình. Anh có nghĩ rằng nếu không diễn hài thì tên tuổi của anh cũng chỉ được một bộ phận những người yêu sân khấu biết đến?
- Khán giả biết đến tôi nhiều ở vai trò nào không khiến tôi quan tâm lắm. Quan trọng là họ biết đến tôi ở chính vai diễn đó, mang dấu ấn riêng của Quốc Trượng.
Cứ nhắc đến chèo Quân đội là người ta biết đến Quốc Trượng, còn ở lĩnh vực sân khấu truyền hình thì tôi không coi đó là tâm điểm để làm nên thương hiệu cá nhân.
Chính vì vậy khi tham gia diễn hài, tôi không bao giờ diễn theo kiểu hài kịch và diễn theo chất “hề”, tức là sự thâm thúy trong tiếng cười chứ không phải là sự dễ dãi.
Đó có phải là lý do để một thời gian dài không thấy anh diễn hài trên truyền hình như rất nhiều các diễn viên khác?
- Tham gia diễn hài một thời gian, tôi nhận thấy dường như ai cũng có thể diễn hài được. Có những người không học hành gì cả cũng làm được, thành ra cái cười không còn “đắt” nữa. Cái đó khiến tôi không còn tìm được hứng thú với lĩnh vực này từ lâu rồi.
Tôi thích được làm nghề, được làm hề chèo chính thống chứ không phải làm theo kiểu “mỳ ăn liền”, cười xong rồi thôi, không mang tính giáo dục và nghệ thuật nhiều lắm.
Theo anh thì vì sao cái hài mất đi sự thâm thúy vốn có, do khán giả dễ dãi hay vì nghệ sĩ bất tài?
- Nó có cả hai lý do đó. Thưởng thức của khán giả đơn thuần quá, chỉ cần nói một câu là có thể mang lại được tiếng cười nên ai cũng có thể diễn hài được.
Nó khác hẳn với hề, không học hành bài bản thì không diễn được đâu. Hề phải có câu chuyện, nó lắng đọng nhưng xem xong về nhà vẫn cười gần chết.
Ngoài ra còn một căn nguyên nữa là do cuộc sống, họ phải bon chen nên bất chấp sự dễ dãi để làm nghề, dẫn đến một thời gian dài sân khấu hài bị tụt dốc.
Con không nhận ra bố mẹ vì vắng nhà liên tục
Được biết, vợ chồng anh làm cùng nhà hát, chồng là “sếp to”, vợ là “sếp nhỏ” (Đội trưởng Đội diễn viên). Như thế thì thời gian cho gia đình chắc chắn sẽ bị eo hẹp?
- Hai vợ chồng cùng làm nghệ thuật thì có bất lợi là đi nhiều, nhưng được cái thuận lợi là rất hiểu đặc thù trong công việc nên sự thông cảm cho nhau cũng dễ hơn.
Có lần hai vợ chồng đi diễn kéo dài tới 2-3 tháng, lúc về nhà, cô con gái còn không nhận ra được bố mẹ, cứ khóc váng lên. Ngày nghỉ cuối tuần chủ yếu là 3 mẹ con đi chơi với nhau chứ ít khi có bố đi cùng. Được cái vợ và các con cũng quen rồi nên chưa một lần trách cứ gì tôi cả.
Anh nổi tiếng với những vai hài, hề chèo. Trong đời thường hay ở nhà, anh có mang sự hài hước đó vào cuộc sống của mình không?
- Ở nhà thì tôi không phải là người hài hước đâu. Thậm chí còn có phần nghiêm khắc nữa.
Vợ anh kém anh tới 13 tuổi, điều đó có dẫn đến sự chênh lệch trong quan điểm sống không?
- Vợ tôi tâm sự, cô ấy luôn tâm niệm sẽ lấy người hơn ít nhất là 10 tuổi. Nhiều người bảo vợ tôi trẻ người mà không hề non dạ, vì rõ ràng lấy người lớn tuổi hơn thì suy nghĩ cũng chín chắn hơn. Theo logic, với người ít tuổi bao giờ người ta cũng nảy sinh tâm lý nhường nhịn và che chở chứ hiếm khi ăn thua lắm.
Còn trong quá trình chung sống, vợ chồng nhà nào cũng không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm chứ không phải chỉ chênh lệch tuổi tác mới có. Những lúc đó, vì mình nhiều tuổi hơn nên nói vợ cũng dễ “phục” hơn thì phải.
Cảm ơn nghệ sĩ Quốc Trượng!