Hoạt động nghệ thuật với vai trò vừa là nhạc công, nhạc sĩ và ca sĩ, Ngô Hồng Quang là một trong những nghệ sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam bởi những tìm tòi, lan tỏa âm nhạc dân tộc đến công chúng khắp thế giới.
Từ năng khiếu tới thành công
Đi gom chất liệu khắp các vùng miền đất nước để sáng tạo nên một thứ âm nhạc mới, mang màu sắc đương đại, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang không chỉ làm nổi bật những tinh túy của nền âm nhạc cổ truyền, mà còn tạo ra sự hứng thú kỳ lạ với công chúng về nhạc cụ của dân tộc Việt Nam.
Sinh năm 1983 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội của Ngô Hồng Quang là nghệ nhân đàn nhị trong một gánh hát ở Hải Dương. Từ lúc 7 tuổi tới 11 tuổi là khoảng thời gian gia đình phát hiện ra khả năng âm nhạc tuyệt vời của cậu bé khi tham gia các hoạt động văn nghệ của thôn xóm.
Hồi ấy, Quang luôn được chọn là người biểu diễn hát, đặc biệt là những bài dân ca Bắc bộ. Ngoài việc thừa hưởng năng khiếu và khả năng thẩm âm của ông nội, thì người cha cũng là người thầy rèn giũa và tu luyện thêm cho Quang cách tiếp cận cũng như hướng tới môi trường âm nhạc dân tộc.
Câu chuyện âm nhạc chuyên nghiệp của anh bắt đầu từ lúc 11 tuổi, khi người cha đưa con đến nhạc viện ôn luyện vài tháng trước khi trúng tuyển vào khoa âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội. Ngoài sự tác động của bố mẹ, người bác khiếm thị - con nuôi ông nội cũng chính là người thầy đầu tiên tạo nên những bước đi đầu tiên của Ngô Hồng Quang.
Xây dựng nền tảng âm nhạc vững chắc khi theo học đàn nhị bậc đại học khoa âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vào năm 1994. Năm 2006, Ngô Hồng Quang tốt nghiệp và trở thành giảng viên của trường. Sau hai chuyến lưu diễn trong mùa Hè năm 2006 – 2007 tại Ireland, Bỉ, Pháp, Đức... đã nhen nhóm trong anh ý tưởng thực hiện album đầu tay. Và thật nhanh chóng, cuối năm 2007 anh chính thức phát hành album đầu tay mang tên “Quang”.
Với âm thanh chủ đạo là đàn nhị, Ngô Hồng Quang kết hợp cùng nhạc công đàn tam thập lục Việt Hồng, Thuý My; đàn tranh Hồng Hạnh, trống Khắc Huấn, dương cầm Đức Cường, đàn môi Nguyễn Đức Minh với các tác phẩm thuộc thể loại dân ca Việt Nam và nhạc cổ điển.
Đĩa nhạc gây được ấn tượng và lượng tiêu thụ chủ yếu đến từ khán giả quốc tế xem anh biểu diễn. Cùng năm 2007, anh sáng tác bài hát gốc “Đêm cuối cùng của mùa đông” cho bộ phim truyền hình nổi tiếng “Ma làng”.
Sau khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật đầy sôi nổi, năm 2010 Ngô Hồng Quang tu nghiệp bậc thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Lan và tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan năm 2014.
Anh cho rằng, đây là quãng thời gian khá dài với nhiều thử thách cũng như những kỉ niệm không thể quên, những điều này rất cần thiết và là chất xúc tác quan trọng trong việc hình thành tính cách âm nhạc, cũng như xây dựng kinh nghiệm trên con đường âm nhạc đầy thử thách mà anh đã chọn.
Trên đất Hà Lan, anh đã bắt tay cùng nghệ sĩ Onno Krijin và phát hành album phòng thu “Song hành”. Album thuộc thể loại nhạc thế giới, pha trộn thêm chất liệu nhạc điện tử gồm các làn điệu chèo, xẩm, quan họ, dân ca Huế, Nam bộ. Thành công này đã giúp Ngô Hồng Quang và Onno Krijin vinh dự nhận đề cử hạng mục “Album của năm” tại Giải thưởng Cống hiến lần thứ 9 (năm 2014).
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang là người chơi nhạc cụ Việt một cách đúng nghĩa. |
Để âm nhạc chạm tới trái tim
Là nghệ sĩ Việt Nam rất được công chúng thế giới mến mộ, Ngô Hồng Quang cho biết hầu như cả 5 châu lục anh đều đã đặt chân tới. Chuyến đi nào cũng là biểu diễn nhạc cụ và văn hóa âm nhạc Việt Nam, có lúc kết hợp với nhạc jazz, có lúc anh biểu diễn một mình một show, và tham gia nhiều chia sẻ nói chuyện về âm nhạc dân tộc trong những trường nhạc.
Mỗi nơi anh đến biểu diễn, mỗi đêm nhạc để lại trong anh một kỷ niệm và niềm tự hào về âm nhạc truyền thống. Nhưng có lẽ cảm động nhất chính là show diễn tại Annecy (Pháp) dài hơn 1 tiếng. Không một tiếng động hay cười nói, nhưng khi hết show, cả nhà hát vỡ oà bởi sự hân hoan không ngớt của khán giả.
“Họ khóc bởi show âm nhạc chạm đúng vào khoảnh khắc họ cần. Tôi có cảm giác như thứ âm nhạc mà mình và ban nhạc cùng chơi đã hàn gắn những vết thương, kết nối họ với thực tại, bởi họ vừa trải qua những nỗi đau sau trận nổ súng tại toà soạn báo ở Paris”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang trong chuyến điền dã tìm chất liệu âm nhạc bản địa. |
Không chỉ đặt chân đến nhiều quốc gia, ngay trên đất nước mình Ngô Hồng Quang cũng có sức đi khủng khiếp. Những chuyến điền dã đến khắp các vùng miền, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ miền Trung tới Nam Bộ gom chất liệu bản địa Việt Nam để sáng tạo nên một thứ âm nhạc mới, mang màu sắc đương đại.
Những tác phẩm chèo, xẩm hay dân ca các vùng miền được anh nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng trước khi đem ra kết hợp. Mỗi vùng miền có chất liệu và yếu tố hoa mỹ riêng nên càng hiểu nhiều về cách luyến láy trong âm nhạc ngũ cung các khu vực bản địa, càng dễ để những đặc trưng ấy hoà nhập hài hoà vào các không gian âm nhạc khác nhau.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho rằng: “Điều quan trọng và cần thiết là mình phải tôn trọng giá trị văn hóa gốc, nguyên bản và bản địa trước, rồi sau đó mới phát triển và biến tấu trên những không gian mới. Mình phải hiểu văn hóa của mình như thế nào, rồi mới tính đến chuyện chia sẻ, giao thoa và phát triển”.
Năm 2021, album phòng thu thứ 6 “Tình đàn” ra mắt công chúng. Những giai điệu được Ngô Hồng Quang cùng nhóm Đàn Đó thổi hồn bằng âm thanh mộc mạc đầy tính biểu cảm của cây đàn tính, hòa quyện âm sắc tự nhiên vẹn chất bản địa của đàn đó, trống chum, trống lãng, sáo thiu và đàn môi.
Và mới đây nhất, trong tháng 3/2024 nghệ sĩ Ngô Hồng Quang có buổi ra mắt album “Rạng Đông” – album đầu tiên sản xuất đĩa than. Tuy nhiên, vốn là người kín tiếng, anh chưa vội bật mí cũng như chia sẻ những điều thú vị xung quanh album này.
“Trong âm nhạc nói chung và văn hóa cổ truyền nói riêng, chúng ta có một kho tàng giàu có, nhưng không thể bê nguyên cái truyền thống đó vào cuộc sống hôm nay, công chúng sẽ thờ ơ vì nó không còn hơi thở của thời đại. Chúng ta cần thay đổi tư duy về các giá trị truyền thống, không thể đóng cửa và bảo thủ giữ khư khư cái của mình và cho rằng chúng ta giàu có. Bản địa Việt Nam cần được chung sống và hòa đồng với các bản địa khác, có sự kết nối, giao thoa, đó là một xu hướng tất yếu. Càng kết nối, giao thoa với thế giới, chúng ta càng phải có cái riêng của mình”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.