Âm nhạc truyền thống dẫn nhịp

GD&TĐ - Sử dụng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền viết lời cho bài hát tuyên truyền phòng cháy chữa cháy.

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều hát múa 'Hãy phòng chống hỏa hoạn' do cô Hứa Thị Thu Huyền soạn lời theo dân ca quan họ Bắc Ninh. Ảnh: HTH
Học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều hát múa 'Hãy phòng chống hỏa hoạn' do cô Hứa Thị Thu Huyền soạn lời theo dân ca quan họ Bắc Ninh. Ảnh: HTH

Sử dụng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, cô giáo Hứa Thị Thu Huyền viết lời cho bài hát tuyên truyền phòng cháy chữa cháy. Khi đó, âm nhạc truyền thống đã dẫn nhịp cho thông điệp khô khan đến với học trò một cách truyền cảm, dễ hiểu, dễ nhớ.

Sáng đầu tuần, sau một phút mặc niệm nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) và quyên góp ủng hộ các gia đình bị nạn, thầy trò Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (Long Biên, Hà Nội) bước vào buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: “Tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy”.

Cùng với bài hướng dẫn kỹ năng từ chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, học sinh của trường còn được rèn kỹ năng qua âm nhạc khi cùng hát: “Này bạn hãy nhớ các kỹ năng: Khi trong đám cháy; hãy ngắt ngay mà cầu dao. Hãy hét lên la thật to; rồi gọi ngay một một bốn. Tìm đường thoát hiểm nhanh nhất…”.

Nếu chỉ đọc phần lời, nhiều người cảm thấy trúc trắc, cứng nhắc vì toàn yêu cầu này, mệnh lệnh kia. Vậy nhưng, nếu đặt vào làn điệu dân ca quan họ - “Trống cơm” - vốn rất quen thuộc, ai cũng có thể nhẩm nhịp thì những lời ấy trở nên vui nhộn, dễ hát, dễ thuộc.

Khi đó, các kỹ năng như ngắt cầu dao, hét to, gọi 114, rồi cách thoát hiểm: Cúi rạp, bò nhanh, chớ đứng thẳng người, tránh hít khói độc… cũng “nhún nhảy” theo giai điệu chứ không còn khô khan, khó đọc. Vì thế bài hát nhanh chóng được học sinh thích thú đón nhận và ghi nhớ để có thể vận dụng khi cần.

Nhẩm theo lời bài hát, cô bé Nguyễn Trần Diệp Anh, lớp 3A3 kể: “Cô hiệu trưởng Hứa Thị Thu Huyền rất yêu thương chúng em và thường sáng tác nhiều bài hát hay. Cô dạy chúng em chăm ngoan, học giỏi, biết hát hay, múa đẹp; biết yêu thương, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bài hát về phòng cháy, chữa cháy do cô soạn theo bài “Trống cơm” mà em và các bạn vẫn hay hát, thuộc giai điệu nên khi hát theo lời mới rất dễ dàng. Qua đó, chúng em nhớ nhanh các kỹ năng khi gặp hỏa hoạn cần phải làm gì. Em sẽ về nhà hát cho bố mẹ nghe để cả nhà cùng biết cách phòng cháy, chữa cháy”.

Cô giáo Phạm Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều cũng bày tỏ sự thán phục: “Cô hiệu trưởng có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh rất hiệu quả. Cùng với việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh thông qua các hoạt động thiện nguyện, cô còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh qua các hoạt động sáng tác âm nhạc; giúp các em dễ thuộc, dễ nhớ, dễ vận dụng”.

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều hào hứng trong giờ sinh hoạt về phòng chống cháy nổ. Ảnh: HTH

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều hào hứng trong giờ sinh hoạt về phòng chống cháy nổ. Ảnh: HTH

Đến dự buổi sinh hoạt đầu tuần, chứng kiến các con hát vang những lời tuyên truyền phòng cháy chữa cháy một cách… linh hoạt, vui vẻ, chị Lưu Thị Lan Anh, phụ huynh học sinh Hoàng Lưu Yến Ly, lớp 5A1 bày tỏ: “Cô hiệu trưởng là người rất tâm huyết, yêu thương học sinh. Cô đã mạnh dạn đổi mới công tác quản lý, thúc đẩy phong trào dạy và học trong nhà trường. Đặc biệt cô là một tấm gương nhà giáo mẫu mực, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác giáo dục học sinh. Nhất là, cô đã sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi, soạn lời mới cho nhiều làn điệu dân ca quen thuộc mà bài hát “Hãy phòng chống hỏa hoạn” là một trong số đó. Các bài hát có phần lời phù hợp với các con, nhằm tuyên truyền, giáo dục các hành vi đạo đức, các kỹ năng sống rất hiệu quả; giúp học sinh dễ tiếp thu, áp dụng trong cuộc sống, đồng thời giúp các con thêm yêu âm nhạc dân tộc”.

Chia sẻ về việc sáng tác bài hát “Hãy phòng chống hỏa hoạn”, cô Huyền cho biết, sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini ở phố Khương Hạ với bao tiếng kêu cứu, khóc than thảm thiết, tuyệt vọng trong đêm định mệnh; cùng những tổn thất nặng nề về người và tài sản: 56 người bị tử vong, 37 người bị thương, trong đó có nhiều người là học sinh, sinh viên, đã ám ảnh, day dứt mãi trong cô.

Có những người may mắn thoát chết nhờ các kỹ năng phòng chống hỏa hoạn để tự cứu mình và gia đình đã rút ra cho bản thân cô và gia đình cũng như nhiều người bài học kinh nghiệm khi gặp phải tình huống hỏa hoạn, cháy nổ.

“Chính vì vậy, tôi đã vận dụng kỹ thuật soạn lời mới cho các làn điệu dân ca quen thuộc để tuyên truyền tới học sinh. Sáng sớm ngày 15/9 khi thức dậy, tôi vô tình lướt điện thoại, nghe đoạn nhạc bài “Trống cơm” vui nhộn.

Thế là, chỉ trong vòng 30 phút, tôi đã viết xong lời bài hát “Hãy phòng chống hỏa hoạn” dựa theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh với giai điệu và ca từ gần gũi, giúp học sinh yêu thích, dễ nhớ, dễ vận dụng các kỹ năng phòng chống hỏa hoạn.

Sáng hôm đó đến trường, tôi tập cho các em hát, bạn nào cũng hứng thú, biết cách luyến láy và biểu cảm. Tôi rất vui khi thấy các em nhanh chóng thuộc và hát đúng, hát hay, qua đó không chỉ nhớ các kỹ năng phòng cháy mà còn thêm yêu các làn điệu dân ca Việt Nam”, cô Huyền tâm huyết chia sẻ.

Bài hát 'Hãy phòng chống hỏa hoạn' dễ hát, dễ nhớ, dễ vận dụng. Ảnh: HTH

Bài hát 'Hãy phòng chống hỏa hoạn' dễ hát, dễ nhớ, dễ vận dụng. Ảnh: HTH

“Nhà trường, thầy cô giáo cần thấy trách nhiệm trong công tác tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên về các kỹ năng phòng cháy chữa cháy nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Với học sinh tiểu học, việc tuyên truyền không nên quá nặng nề về lý thuyết, rao giảng mà cần áp dụng các phương pháp trực quan, thực hành, luyện tập kết hợp với hình thức tuyên truyền miệng, thông qua loại hình sân khấu hóa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em”.

Cô giáo Hứa Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều, Long Biên, Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ