Bộ VH,TT&DL vừa có Quyết định số 1326/QĐ-BVHTTDL cho phép Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn đương đại.
“Tôi luôn là người Việt Nam”
Bộ VH,TT&DL vừa có Quyết định số 1326/QĐ-BVHTTDL cho phép Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn đương đại, hip hop, trượt patin và nghệ thuật thị giác “Phản chiếu”.
Theo đó, ngày 26/5 buổi biểu diễn được thực hiện tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), ngày 29/5 diễn ra tại sân khấu kịch Idecaf (TPHCM), ngày 1/6 tại Trung tâm Văn hóa và Thông tin (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), ngày 4/6 tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội).
Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, Viện Pháp tại Việt Nam muốn đem đến với công chúng buổi biểu diễn “Relfet” (Phản chiếu) của nghệ sĩ Xuân Lê - biên đạo múa kiêm vũ công người Pháp gốc Việt từng vô địch nước Pháp ở giải trượt slalom tự do. Đây là lần trở lại của nghệ sĩ Xuân Lê sau thành công của vở “Vòng lặp” diễn ra vào năm 2019.
Được đánh giá là nghệ sĩ đa tài và “không giới hạn”, Xuân Lê từng vô địch giải trượt patin nước Pháp và đứng thứ 6 giải trượt patin thế giới (thể loại freestyle) năm 2009. Từ đó, anh nhanh chóng bén duyên với nghệ thuật múa, vừa đầu quân cho đoàn múa Käfig, Bissextile vừa là thành viên của đoàn xiếc Eloize.
Tuy không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng Xuân Lê luôn muốn cống hiến tài năng của mình trên quê hương Việt Nam. Dù gặt hái được nhiều thành công qua các tour lưu diễn vòng quanh thế giới với các đoàn nghệ thuật danh tiếng, nghệ sĩ Xuân Lê vẫn khao khát tiến xa hơn trong hành trình tìm kiếm bản thân và nguồn cội.
Năm 2016, anh quyết định thành lập đoàn múa tại Paris để theo đuổi một niềm đam mê khác, cũng không kém phần mãnh liệt: Biên đạo và dàn dựng các tác phẩm của chính mình – “Lopp” (Vòng lặp) là sáng tác solo đầu tay của anh, được kết hợp tinh tế giữa bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình.
Tác phẩm “Vòng lặp” mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp, khiến khán giả Việt đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ được tái hiện trên sân khấu huyễn tưởng ấn tượng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nghệ sĩ Xuân Lê bộc bạch rằng: “Từ tác phẩm đầu tay, tôi đã muốn truyền tải về nguồn cội cũng như bản ngã con người. Tôi muốn truy vấn xoay quanh câu hỏi chúng ta là ai và từ đâu đến? Tại sao sao chúng ta được sinh ra, và sẽ như thế nào trong sự vận động của thế giới? Tôi muốn thông qua sự chuyển động của cơ thể, xây dựng những vòng lặp cuộc sống để mỗi người có thể liên hệ với các yếu tố của bản thân mình”.
Không chỉ là nghệ sĩ nặng lòng với nguồn cội, luôn hướng tác phẩm và truyền tải thông điệp nguồn cội tới công chúng Việt. Bản thân Xuân Lê tự phân tích và đánh giá về mặt sinh học của mình có 75% dòng máu là người Việt.
“Bố tôi là người Việt, bà ngoại tôi là người Tây Ban Nha nhưng ông ngoại lại là người Việt Nam 100%. Chỗ này có vẻ hơi rắc rối một chút, nhưng 75% dòng máu trong tôi là thuần Việt. Tôi không bao giờ giải thích nguồn gốc của mình, song tôi luôn là người Việt Nam. Trong các vở diễn và ý tưởng trình diễn thì ngôn ngữ cơ thể đã trình bày hết ý nghĩa cội rễ này”, Xuân Lê cho hay.
Tác phẩm múa 'Phản chiếu' kết hợp hip hop, trượt patin và nghệ thuật thị giác. Ảnh: Viện Pháp. |
Tác phẩm múa đỉnh cao
Thuần khiết, trong trẻo, không màu mè, vũ đạo của Xuân Lê gợi nhiều hơn tả và vì thế cũng tạo tác nhiều không gian cho trí tưởng tượng bay bổng. Sau hơn 4 năm kể từ khi “Vòng lặp” đến với công chúng Việt Nam, lần này trở về Xuân Lê đem đến một tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật múa đương đại, nhưng cũng không kém ý niệm nguồn cội truyền thống.
Đó là tác phẩm “Phản chiếu” là sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hip hop, trượt patin và nghệ thuật thị giác. Ở tác phẩm này, nghệ sĩ Xuân Lê cùng kết hợp với nghệ sĩ múa Đài Loan là Shihya Peng – với hi vọng sẽ đưa khán giả vào một thế giới vi tế và đầy cảm xúc.
Nhẹ nhàng trên đôi giày patin tựa như ở trạng thái không trọng lượng, Xuân Lê sẽ cuốn khán giả vào một dòng xoáy năng lượng mãnh liệt nhưng cũng hết sức tĩnh tại, khiến người xem tự vấn về nguồn cội và về những mối quan hệ được dệt nên trong đời sống thông qua các chuyển động.
Chuyến du hành tiếp diễn với nữ nghệ sĩ Shihya Peng trong phần múa đôi, đặt ra câu hỏi về tính hai mặt của sự tồn tại thông qua ngôn ngữ cơ thể đầy chất thơ. “Phản chiếu” kiếm tìm sự cân bằng nhưng đồng thời cũng là quá trình khám phá nội tâm.
Khán giả như được bước vào tâm điểm của hành trình cảm xúc nơi hữu hình đối thoại với vô hình. Bằng những đường trượt mềm mại và những vũ điệu tinh tế, hai vũ công đối diện nhau, soi chiếu lẫn nhau nhưng cũng là đang đối diện với bản ngã của chính mình.
Là một trong những loại hình múa mới của Việt Nam, nhưng nếu lùi về khoảng hơn chục năm trước thì múa đương đại vẫn chưa có “chỗ đứng”. Không có khán giả đã là một chuyện, việc không tìm được tiếng nói chung đối với khán giả còn nan giải hơn. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ múa đương đại ở Việt Nam muốn có khán giả thì phải ra nước ngoài biểu diễn.
Thế nhưng vượt qua những rào cản và sự kỳ thị, đến nay khán giả Việt đã tìm đến sân khấu múa đương đại, nghệ thuật múa đương đại cũng vì thế mà có đất diễn và ngày càng phát triển. Trong khuôn khổ của Hanoi Dance Fest 2019 và trong một số lần lưu diễn khắp các vùng miền của Việt Nam, nghệ sĩ Xuân Lê đã thấy rõ điều đó.
“Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều diễn viên, nghệ sĩ hoặc tác giả múa đương đại. Thậm chí có cả những hội thảo do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Các biên đạo đã cập nhật những yếu tố kỹ thuật của múa hiện đại đưa vào sáng tác của mình, tùy theo mức độ và cấp độ.
Trong tương lai không xa, múa đương đại Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả hiện đại”, nghệ sĩ Xuân Lê nhận định.
Trước khi trở về Việt Nam để đưa “Relfet” (Phản chiếu) đến với sân khấu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TPHCM, vở múa đã được công diễn nhiều nơi trên thế giới. Ngoài biên đạo kiêm diễn viên múa Shihya Peng tham gia múa đôi cùng Xuân Lê, vở diễn còn có sự hợp tác của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới: Jules Evrard (phối nhạc), Peggy Housset (phục trang), Paul Argis và Chloe Roger (ánh sáng), Leslie Artufel (sân khấu)...