Nghề nuôi cá bè ở ĐBSCL có tự bao giờ?

GD&TĐ - Nhắc đến thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì phải nghĩ ngay đến nghề nuôi cá tra. Khởi thủy thì nghề nuôi cá tra trong bè tre, rồi tới bè gỗ… và cuối cùng bỏ bè lên ao đầm ven sông. Làng bè chuyển sang nuôi cá tiêu thụ nội địa.

Một góc làng bè Châu Đốc
Một góc làng bè Châu Đốc

Theo nhà nghiên cứu Rainboth, nghề nuôi cá bè được du nhập từ Campuchia sau Tết Mậu Thân 1968, do những Việt kiều phải sơ tán vì chiến tranh về định cư dọc biên giới hai nước.

Lúc đầu Việt kiều dùng bè để chuyên chở cá thương phẩm từ Biển Hồ về Châu Đốc bán cho thương lái Lục tỉnh. Sau sự kiện Lon Nol lật đổ Sihanouk vào năm 1970, Việt kiều bị đàn áp nên những người làm nghề đánh cá ùn ùn về Châu Đốc hình thành làng bè nuôi cá.

Nghề nuôi cá bè phát triển mạnh vào năm 1974 với 10.000 bè, trong đó có 7.250 bè tập trung ở Châu Đốc. Sản lượng ở Châu Đốc khoảng 42.000 tấn.

Thời kỳ này ngư dân chỉ nuôi cá bằng bè tre lồ ô theo kiểu mẫu của Campuchia, những thân tre này dài 10m kết lại theo hình thuyền để dễ di chuyển đến phố chợ bán lẻ, tre được kết khít với nhau bằng dây mây, dây song, thân tre rỗng nên đóng vai trò như chiếc phao. Người Việt có cải tiến hình dáng chút ít, từ hình thuyền sang hình chữ nhật để thể tích nuôi được lớn hơn, khi di chuyển đến nơi bán lẻ, người Việt có thể chở xa hàng trăm cây số đến tận Vĩnh Long, Mỹ Tho, Trà Vinh, Cần Thơ... bằng các ghe đụt một cách nhanh chóng. Một bè có chiều dài 9m, rộng 22m phải cần 2.400 thanh tre dài 5-6m.

Khi chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam cùng với cơn lũ lịch sử Mậu Ngọ (1978) ở ĐBSCL, cộng với cơ chế bao cấp nghề nuôi cá bè đi vào suy thoái, trở thành nghề gia đình, sản xuất tự cung, tự cấp.

Từ năm 1986, nghề nuôi cá bè có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá basa sang thị trường Australia, Hongkong, Singapore... Phải đến năm 1993, khi nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh An Giang ra đời, cá bè mới thực sự trở thành một ngành sản xuất công nghiệp.

Bè cá được làm bằng gỗ sao, thiết kế theo dạng hình hộp chữ nhật, có thể tích nuôi từ 20 đến 120m3, được cố định bởi hệ thống neo và hệ thống phao bằng thùng phuy hoặc ống nhựa, ống composit. Phía trên bè cất nhà có đầy đủ phương tiện sinh hoạt. Giá của một bè gỗ có thể từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Nhà bè trên sông
Nhà bè trên sông

Cá tra công nghiệp… bỏ bè lên ao

Sự kiện có tính “cách mạng” làm cho nghề nuôi cá bè từ chỗ tự cung, tự cấp cho thị trường nội địa trở thành một ngành công nghiệp nuôi cá xuất khẩu là sự phát triển của công nghệ sinh sản nhân tạo dành cho cá tra vào năm 1999.

Trước đó chỉ vớt cá giống trong thiên nhiên vào mùa lũ, nên không thể sản xuất cá tra thương phẩm quanh năm để phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu. Sản lượng cá bột sinh sản theo phương pháp nhân tạo đạt trên 100 triệu con mỗi năm.

Từ năm 2000 trở đi, nhu cầu xuất khẩu tăng cao, nuôi cá tra ở bè trên sông với sản lượng lớn dễ sinh dịch bệnh do dòng nước lây truyền, nuôi trên ao dễ kiểm soát dịch bệnh, nên dần dần cá tra rút khỏi làng bè.

Hiện nay, làng bè Châu Đốc có trên 300 lồng bè, người dân chuyển sang nuôi đủ các loại: cá ba sa, cá bông, cá he, cá mè dinh, cá mú, cá chim, cá điêu hồng… để cung cấp cho thị trường nội địa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.