Đề vượt chuẩn kiến thức, kỹ năng?
Sáng 17/5, sau khi kết thúc bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, rất nhiều học sinh lớp 5 của TP Vinh ra về “khóc như mưa” vì không làm hết đề.
Chị NguyễnThu H, có con đang là học sinh lớp 5 ở Trường Tiểu học Trung Đô, chia sẻ: Những năm trước cháu luôn được đánh giá là học sinh tiêu biểu, lực học nằm ở tốp đầu của lớp.
Tuy nhiên, cuối năm nay, làm xong bài kiểm tra môn Toán, cháu buốn và khóc, nói chỉ làm được khoảng 7 – 8 điểm, không đạt điểm giỏi.
Sau đó, đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 thành phố Vinh được đưa lên mạng xã hội và được đông đảo người lớn “mổ xẻ”. Nhiều ý kiến bày tỏ đề Toán không chỉ khiến học sinh giỏi lớp 5 bó tay, mà học sinh lớp 6, 7 chưa chắc đã làm được.
Theo đó, đề kiểm tra có10 câu hỏi, trong đó có 6 câu trắc nghiệm và 4 câu tự luận và học sinh được làm trong thời gian 40 phút. Năm nay, Thành phố Vinh ra đề thi chung cho tất cả các trường và tổ chức chấm chéo. Đây cũng là cách làm mà thành phố đã triển khai được vài năm nay, mục đích chính để đánh giá đúng năng lực dạy và học ở các trường.
Việc ra đề được thực hiện theo ma trận đề thi mới của Thông tư 22 với 4 mức độ thay vì 3 mức độ như trước đây. Về phía phụ huynh, sau khi xem đề, nhiều ý kiến cũng cho rằng câu 9 và câu 10 là 2 câu dùng để phân loại học sinh nhưng kiến thức câu hỏi chưa có trong chương trình học.
Mặt khác, không dạy thêm học thêm, không ra bài tập về nhà, chương trình học trong sách giáo khoa, vậy mà đề thi ở mức độ như vậy, chúng ta đang thực hiện đúng tinh thần giảm tải không?
“Một đề thi kiểm tra cuối kỳ có cần thiết phải khó đến như vậy, đề thi THPT hiện nay kiến thức cũng chỉ nằm trong sách giáo khoa và nắm vững kiến thức cơ bản đã có thể làm được 60% rồi”, một phụ huynh chia sẻ.
Không có bài thi nào đạt điểm 10
Kết quả bài kiểm tra cuối kỳ khiến nhiều phụ huynh lo lắng về cơ hội đăng ký xét tuyển vào trường THCS chất lượng cao |
Được biết, theo đúng kế hoạch Phòng GD&ĐT thành phố Vinh đã đề ra, thì công việc chấm kiểm tra học kỳ cuối năm đã hoàn thành vào chiều 20/5 và có kết quả sơ bộ.
Đánh giá ban đầu, phổ điểm có từ 0 đến dưới điểm 10 và không có điểm 10 cho cả hai môn Toán và Tiếng Việt, ông Thái Khắc Tân – Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Vinh cho biết.
Cũng theo ông Tân, điều này nếu nói bất thường là có bởi từ năm 2014 trở về trước, điểm tra định kỳ các năm của thành phố mỗi năm là khoảng1.800 điểm 10 môn Toán, 1.000 điểm 10 môn Tiếng Việt (chiếm khoảng 60%).
Tuy vậy, từ năm ngoái đền nay, sau khi thành phố áp dụng thi đề chung cho học sinh lớp 5 thì giảm hẳn. Đơn cử như năm trước, thành phố chỉ có 49 điểm 10 môn Toán và 69 điểm 10 môn Tiếng Việt.
“Năm nay, ngoài đề thi chung, chúng tôi còn tổ chức chấm chéo giữa các trường nên việc đánh giá cũng sẽ khách quan hơn. Trong quá trình ra đề chúng tôi cũng mong muốn các em làm được bài, đề cũng có sự phân loại rõ rệt để có em làm được 5-6 điểm hoặc 9-10 điểm, em nào ở mức độ nào thì làm được ở mức độ đó. Tuy nhiên, với kết quả này, phải thừa nhận đề mà Phòng ra chưa sát với thực tế trình độ học sinh” - Ông Tân nói.
Sẽ có giải pháp đánh giá công bằng học sinh
Sau khi có thông tin về sự việc trên, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã yêu cầu ngành Giáo dục Nghệ An báo cáo về sự việc và sớm đưa ra hướng xử lý tích cực.
Trong ngày 22/5, Phòng Tiểu học cũng đã xem xét và rà soát lại đề thi kỹ càng, lấy ý kiến góp ý của các cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, Phòng cũng yêu cầu Phòng Giáo dục thành phố xây dựng phương án để xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất.
Trao đổi với báo GD&TĐ, Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An – ông Thái Huy Vinh - thừa nhận đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 của TP Vinh quá khó, đặc biệt là câu 9b và câu 10 nên những phản ứng của phụ huynh là điều dễ hiểu. Đề có thể dừng lại ở câu 9a là đủ để phân hóa học sinh.
Việc ra đề kiểm tra như thế này không đúng với chỉ đạo của Sở về ra đề kiểm tra cuối năm và không đúng với tinh thần của Thông tư 22 về đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh.
Theo thông tư 22, đề ra cho học sinh với 4 mức độ, trong đó mức độ 3 và 4 để phân hóa học sinh dần dần để tìm học sinh giỏi, thông minh, chứ không phải đánh đố học sinh. Nhưng đề kiểm tra này đã vượt chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Ông Vinh cũng cho rằng, đề kiểm tra khó tưởng rằng là công bằng, nhưng khó quá, cả học sinh yếu và học sinh giỏi đều không làm được, thì vô hình chung đánh đồng tất cả học sinh với nhau.
Hiện Sở đã báo cáo toàn bộ sự việc với Bộ GD&ĐT, đồng thời có công văn gửi Phòng GD&ĐT TP Vinh yêu cầu có giải pháp nhằm đảm bảo công bằng trong đánh giá học sinh cuối năm cũng như toàn bộ năm năm học của học sinh; đồng thời sớm ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, tránh tình trạng học thêm, dạy thêm để thi đạt điểm cao.
Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Vinh - cũng cho hay, từ sự việc này, Phòng sẽ rút kinh nghiệm cho những kỳ thi tiếp theo để khi biên tập ra đề sát với thực tế học sinh hơn.
Còn về công tác ra đề thi, ông Tân cho biết: Phòng bố trí đội ngũ cốt cán chuyên môn Tiểu học ra đề, đảm bảo theo đúng ma trận đề thi. Đề thi sau đó được in sao, đóng gói, cho đến ngày thi, bảo mật đảm bảo khách quan, công bằng.
Trước mắt, do kết quả khảo sát cuối năm sẽ thấp nên lãnh đạo phòng cũng đang nghiên cứu đưa ra giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đánh giá sát năng lực và động viên được các em.
Việc điểm bài kiểm tra thấp cũng gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại và khen thưởng học sinh cuối năm. Liên quan đến vấn đề này, nhiều phụ huynh còn lo lắng đến việc xét tuyển vào THCS của con em mình, nhất là vào những trường được đánh giá là chất lượng cao của TP Vinh như THCS Đặng Thai Mai.
Tuy nhiên, ông Tân khẳng định Phòng chưa xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào Trường THCS Đặng Thai Mai, mà phải đến tháng 7/2017 mới có phương án trình UBND TP Vinh quyết định.