Nghệ An tăng chỉ tiêu vào lớp 10 giảm áp lực tuyển sinh trường công lập

GD&TĐ - Năm 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là tại TP Vinh khi chỉ có 3 trường THPT công lập.

Học sinh Nghệ An thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Ảnh: Hồ Lài
Học sinh Nghệ An thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023. Ảnh: Hồ Lài

Trong khi đó các phương án tăng lớp, mở phân hiệu trường THPT đang gặp vướng mắc, Sở GD&ĐT Nghệ An dự kiến tăng chỉ tiêu lớp 10 để giảm áp lực tuyển sinh trường công.

Tiếp tục nóng tuyển sinh lớp 10 trường công

Trước đó, theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, số học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh tăng 7.226 học sinh.

Trong đó, có nhiều địa phương số lượng học sinh tăng vượt bậc như thành phố Vinh là 796 em, Yên Thành 722 em, Quỳnh Lưu 673 em, Diễn Châu 737 em, Thanh Chương 610 em, Nghi Lộc 585 em. Các địa phương còn lại, số học sinh cũng tăng từ 150 – hơn 300 học sinh.

Năm 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh lớp 9, tạo áp lực tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho các trường công. Ảnh: Hồ Lài

Năm 2024, Nghệ An tăng hơn 7.000 học sinh lớp 9, tạo áp lực tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho các trường công. Ảnh: Hồ Lài

Việc tăng thí sinh sẽ tạo áp lực cho việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập do chỉ tiêu có hạn. Trong đó áp lực nhất là tại thành phố Vinh vì hiện nay trên địa bàn trường chỉ có 3 trường công lập là Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Lê Viết Thuật với chỉ tiêu trung bình mỗi năm là 630 học sinh (14 lớp).

Thành phố Vinh còn có 2 trường công lập nhưng không thuộc quản lý của địa phương, đó là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – là trường của tỉnh và Trường THPT chuyên Đại học Vinh – trực thuộc Bộ GD&ĐT. Với 2 ngôi trường này, hàng năm có khoảng hơn 400 học sinh lớp 9 của TP Vinh trúng tuyển vào các lớp chuyên.

Tuy nhiên, với tổng số 6.218 thí sinh dự thi lớp 10 trong năm nay, trong khi chỉ tiêu công lập, chưa đến 2.500 học sinh, dự kiến tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập của học sinh thành phố Vinh năm nay chưa đến 50%.

Nhiều phương án gặp vướng mắc

Trước thực tế này, tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí vào chiều 29/1, nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi về việc tăng chỉ tiêu, mở thêm lớp hoặc thành lập thêm trường THPT công lập để giảm áp lực vào lớp 10 cho học sinh trên địa bàn thành phố Vinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Vinh được coi là "căng" nhất Nghệ An do trên địa bàn chỉ có 3 trường THPT công lập. Ảnh: Hồ Lài

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Vinh được coi là "căng" nhất Nghệ An do trên địa bàn chỉ có 3 trường THPT công lập. Ảnh: Hồ Lài

Thông tin về vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc mở thêm, thành lập mới trường công lập hiện đang không triển khai được, thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy, phương án khả thi được đưa ra là sáp nhập hoặc lập cơ sở mới của các trường công lập hiện có. Để giải tỏa áp lực tuyển sinh lớp 10, cũng như đảm bảo quyền lợi cho học sinh, Sở GD&ĐT đã xin chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An đồng ý mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại xã Nghi Ân, TP Vinh. Phân hiệu 2 dự kiến sẽ tuyển sinh 6 lớp, dành cho học sinh vùng ven đô như xã Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Liên…

Giờ học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Giờ học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, về phía chính quyền xã Nghi Ân rất ủng hộ chủ trương này và đã dành quỹ đất cho giáo dục. Đến nay việc giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo để mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là bố trí kinh phí, ngân sách xây dựng trường.

Tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND thành phố Vinh tài trợ kinh phí. Tuy nhiên lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, phản hồi từ thành phố Vinh cho hay, ngân sách cấp huyện/thành phố nếu có, thì việc cho tỉnh vay tiền đầu tư xây dựng là chưa có cơ chế và tiền lệ để thực hiện.

Một phương án khác được Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Vinh là chuyển trường THCS Đặng Thai Mai thành trường liên cấp THCS và THPT Đặng Thai Mai. Theo đó, dự án Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mới đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng. Sau khi hoàn thành, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ chuyển sang cơ sở vật chất mới tại xã Nghi Ân, và dành cơ sở vật chất cũ cho Trường THPT Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc).

Trường THCS Đặng Thai Mai đang triển khai mô hình tiên tiến, đây là tiền đề thuận lợi để chuyển thành mô hình trường liên cấp đảm bảo sự thống nhất, khoa học trong chương trình giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó cũng góp phần giảm áp lực trường lớp cho cấp THPT của thành phố Vinh. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang phải chờ ý kiến của thành phố Vinh.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết thêm, trước thực trạng sỹ số học sinh tăng cao, Sở sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT, bằng cách tăng sỹ số học sinh/lớp. Vì hiện Bộ GD&ĐT cũng chỉ quy định về số lớp tối đa/trường THPT công lập chứ không khống chế sỹ số/lớp. Đây là giải pháp khả thi để giảm áp lực tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Đồng thời ngành sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị để thực hiện các phương án mở thêm phân hiệu trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.