“Trắng tay”
Đợt lụt lịch sử đã khiến khu vực chợ Vinh (TP Vinh, Nghệ An) bị ngập sâu 2m, nhấn chìm các kiot hàng hóa. Dù được sự trợ giúp của lực lượng chức năng nhưng do nước lên nhanh, hàng hóa nhiều, nên họ không di dời kịp tài sản.
Sáng 17/10, sau khi nước rút, bà con tiểu thương chợ Vinh kiểm tra lại hàng hóa, hối hả chở đồ bị ngâm nước đến nơi cao ráo để phơi khô. Lực lượng bộ đội, công an và Đoàn thanh niên vẫn tiếp tục có mặt để giúp người dân bốc vác, di dời, vận chuyển hàng hóa. Trong đó, bà con kinh doanh hàng nông sản thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều người rơi vào cảnh trắng tay do không kịp sơ tán các loạt củ, hạt.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (tiểu thương khu vực đình Tây chợ Vinh) đang hì hụi xúc các loạt đậu trong kho hàng ra ngoài. Các bì tải chứa đậu xanh, đậu tương nảy mầm bị bung ra hết. Vốc từng nắm đậu nảy mầm trắng xóa, bà Nhàn xót xa nói: “Chỉ qua một đêm ngâm nước, toàn bộ số hàng hơn 2,5 tấn chưa kịp bán của gia đình tôi gồm các loại đậu tương, đậu xanh, lạc… bị hư hỏng, mọc mầm hết. Số đậu này đem ra ngoài phơi khô, rồi sau đó “hóa giá” cho người ta đập bột làm thức ăn cho lợn, gà thôi chứ làm sao buôn bán gì được nữa”.
Ông Đậu Đức Dũng (trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh) đã kinh doanh hàng khô và các loạt hạt giống rau củ ở chợ Vinh hơn 20 năm. “Đây là trận lụt lịch sử, ngập nặng nhất từ khi tôi có mặt ở chợ Vinh đến nay. Nước dâng quá nhanh, chúng tôi không thể kịp di dời hàng hóa, mà cũng không biết chuyển đi đâu, vì xung quanh, đường phố và ở nhà cũng ngập chìm trong nước.
Chúng tôi đành nhìn nước nhấn chìm hết, rồi hôm nay dỡ ra phơi”, ông Dũng buồn bã. Cũng theo ông Dũng, các mặt hàng như gạo đậu, lạc, hành, tỏi, mộc nhĩ… và các đồ khô khác thì đem phơi xem vớt vát được chút nào không. Riêng các loạt hạt giống rau, củ thì hầu như phải bỏ đi hoàn toàn sau khi ngâm nước.
Ở các khu vực khác của chợ Vinh như khu vực hàng vải, đồ điện, quần áo, giày dép…bà con tiểu thương dọn rửa, dỡ hàng ra khỏi kho chứa, tranh thủ trời nắng đem phơi nắng ở tất cả những chỗ trống. Ông Tô Thanh Nhân - Trưởng ban Quản lý chợ Vinh cho biết: “Hiện, chưa thể thống kê được thiệt hại của tiểu thương trong chợ, song khu vực ảnh hưởng nhất là đình Tây và đình Đông chợ Vinh với trên 1.800 ki ốt bị ảnh hưởng bởi mưa lớn”.
Tất bật khắc phục hậu quả mưa ngập
Ngày 17/10, thời tiết tại Nghệ An đã khô ráo, có nắng. Qua một đêm, toàn thành phố Vinh nước đã rút, kể cả những khu vực ngập sâu nhất. Dù vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP vẫn thông báo nghỉ học buổi sáng. Bắt đầu từ buổi chiều, hoạt động dạy học ở các trường trở lại bình thường.
Ở các khu vực dân cư, người dân đang tổng dọn vệ sinh do nước ngập tràn vào nhà làm ướt, hư hỏng đồ đạc. Khu vực đường Nguyễn Tài, Hồ Tùng Mậu, Lê Mao, Ngư Hải và các tuyến đường quanh khu vực phường Bến Thủy, Trung Đô, Đội Cung, chợ Ga và chợ Vinh ngập nặng nhất.
Người dân đem đồ đạc ra phơi nắng, hoặc vứt bỏ những vật dụng, hàng hóa bị hư hỏng sau khi ngâm nước. Anh Hồ Hữu Thân (phường Bến Thủy) cho hay: “Nhà tôi nước ngập vào sâu hơn nửa mét. Các đồ dùng gia dụng, sinh hoạt kịp kê lên cao nên không bị hỏng hóc nhiều, nhưng gia đình kinh doanh quần áo đồng phục, một số lượng lớn vải, mực in, máy in bị ngâm nước hiện đang phải đem đi sửa”.
Tại các huyện lân cận TP Vinh như Hưng Nguyên, Nam Đàn… ngày 17/10 cũng đã tạnh mưa, nước rút. Tuy nhiên, đoạn đê Kênh Thấp thuộc địa phận xóm 3, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị nước tràn khoảng 1,5 km. UBND huyện này đã huy động khoảng 500 người dân, cơ quan đoàn thể trên địa bàn huyện cùng sự hỗ trợ của lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang xử lý chống tràn, bảo vệ đê.
Nhiều km Quốc lộ 48E, Quốc lộ 15 bị đất đá sạt lở… Tại xã Hưng Đạo, ngày 16/10, 5 nữ sinh bị sét đánh trúng trên đường đi học về. May mắn, các em chỉ bị choáng ngất, sau khi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên cấp cứu thì sức khỏe đã ổn định. Hiện, các em đã về nhà và có thể đi học trong mấy ngày tới.
Theo thống kê sơ bộ, trong dịp mưa lụt vừa qua, toàn tỉnh Nghệ An có 3 người chết; 5.250 nhà dân bị ngập (trong đó huyện Nghi Lộc: 100 hộ, huyện Hưng Nguyên: 150 hộ, thành phố Vinh: 5.000 hộ). Trong đó, thành phố Vinh có khoảng 700 hộ tại phường Trung Đô, Bến Thủy phải sơ tán dân, UBND thành phố Vinh đã huy động khoảng 800 người để hỗ trợ dân sơ tán; 2.819 ha rau màu bị ngập, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập lên đến 1.668 ha.