Ngày 29/9, tại Trường THPT Thanh Chương 3, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024”.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học, các cơ sở giáo dục và đông đảo các em học sinh trên địa bàn huyện Thanh Chương.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay có chủ đề “Phát triển văn hoá đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Qua đó, truyền tải thông điệp mỗi cá nhân, mỗi tập thể dù trên bất kể cương vị công tác nào, chúng ta cần ra sức rèn luyện kỹ năng đọc, tạo thói quen đọc và hơn nữa biến việc đọc trở thành đam mê, một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Tại Nghệ An, trong những năm gần đây, văn hoá đọc có những chuyển biến tích cực với hệ thống thư viện công cộng đã mở rộng từ tỉnh về huyện. Trong đó, 1 thư viện tỉnh, 19 thư viện huyện và khoảng 460 thư viện và tủ sách tại bưu điện văn hoá xã.
Quy mô của thư viện tỉnh và huyện ngày càng đa dạng hoá về số lượng sách, thể loại sách và đang dần chuyển mình khi ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, những cửa hàng sách dần được nâng cấp thành các công ty lớn, chuỗi siêu thị sách, những cửa hàng bán sách theo chuyên đề đang dần được mọc lên, phản ánh sự đón nhận của xã hội đối với văn hoá đọc.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, khả năng sử dụng và ứng dụng chuyển đổi số vào văn hoá đọc đã mở ra khả năng tiếp cận dễ dàng với kho tri thức khổng lồ, với những phương thức thuận tiện hơn.
Các loại hình sách nói, podcast,... ngày càng được ưa chuộng. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận những nguồn tài liệu chất lượng cao.
Nâng cao nhận thức về văn hoá đọc bằng cách tôn vinh những người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức là yếu tố then chốt của cả quá trình phát triển nền văn hoá đọc ở mỗi quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc sách. Vì thế, việc xây dựng văn hoá đọc phải bắt đầu từ rèn luyện cho mỗi cá nhân về sở thích thói quen đọc và kỹ năng đọc.
Từ đó, giúp mỗi người chủ động trong việc tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, mở mang tầm nhìn và nuôi dưỡng tâm hồn. Việc đọc sách thường xuyên sẽ rèn luyện ý thức tự học, tự rèn luyện, tự khám phá để mỗi người không ngừng hoàn thiện và vươn lên.
Trước đó, nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích lớn lao mà chuyển đổi số mang lại cho cộng đồng, cho người dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về việc phê duyệt đề án “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong đó, đưa ra một số mục tiêu và giải pháp cụ thể, nhằm mang lại hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đọc, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc ở mọi tầng lớp nhân dân.
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Quyết định 329, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng đây là trách nhiệm của toàn xã hội.
Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính quyền các cấp cần chung tay tạo điều kiện để mỗi người dân có thể tiếp cận tri thức một cách dễ dàng và hiệu quả.
Về phía các nhà trường, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung về vị trí, vai trò của thư viện và văn hóa đọc đối với quá trình học tập phát triển của mỗi cá nhân. Chỉ đạo triển khai “Tuần lễ học tập suốt đời” với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt sáng tạo, hiệu quả.
Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đọc sách; đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động thư viện, xây dựng thư viện mở…
Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá và tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cho các thư viện trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là thư viện trường học.