Nghệ An: Những cựu binh xin hỗ trợ… ngược

Nghệ An: Những cựu binh xin hỗ trợ… ngược

Trong quá trình thực hiện, một số cán bộ, cựu chiến binh đã viết đơn lên chính quyền địa phương xin từ chối khoản tiền này, và xin ủng hộ ngược trở lại cho Nhà nước để dành cho những người khó khăn hơn.

“Mình có lương, cầm tiền hỗ trợ thấy áy náy không yên”

Nghệ An: Những cựu binh xin hỗ trợ… ngược ảnh 1
Đơn xin không nhận tiền hỗ trợ vì không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ông Ngô Đức Hoàng.

Nghệ An đang trong những ngày nắng nóng gay gắt, ông Cao Viết Tỉnh (83 tuổi, xóm Vinh Tiên, xã Diễn Phong, Diễn Châu) vẫn cần mẫn ngoài vườn. Tranh thủ buổi sáng cuốc mấy luống đất để trồng rau, chứ đến gần trưa nóng lắm”, ông Tỉnh nói, mồ hôi đã ướt đẫm trên chiếc áo sờn cũ. Nói đến chuyện xin gửi trả lại tiền hỗ trợ, ông cười: “Chuyện có gì đáng nói đâu. Lúc tôi quyết định trả lại khoản tiền hỗ trợ cũng không nói với ai cả. Các con gọi điện về bảo đơn của bố được đăng trên mạng Internet tôi mới biết”.

Trước đó, ngày 8/5, xã Diễn Phong triển khai chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho đối tượng người có công bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Tỉnh được thông báo lên điểm bưu điện văn hóa xã để nhận tiền. Cầm khoản tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ, ông không thấy mừng mà lại phân vân. “Tôi chưa đóng góp được công lao gì trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Hơn nữa, tôi nghĩ mình còn sức khỏe, lao động được, ngoài ra còn có lương hưu, trợ cấp thương binh. Giờ nhận thêm số tiền hỗ trợ thấy áy náy không yên”, ông Cao Viết Tỉnh kể lại.

Lúc đầu, ông cũng không biết trả lại cho Nhà nước bằng cách nào nên cầm tiền hỗ trợ về nhà. Thứ 7, Chủ nhật, UBND xã nghỉ làm việc, ông sốt ruột lắm, mong nhanh đến ngày làm việc để lên xã trả lại tiền. Sáng thứ 2, ông Tỉnh nhờ con rể chở lên trụ sở xin gặp lãnh đạo xã trình bày nguyện vọng của mình.

“Đây là việc chưa có trong tiền lệ”, ông Liếu Phi Kha – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Phong nói. Đối chiếu với các quy trình, cán bộ xã hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận Đơn xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 cùng khoản tiền 1,5 triệu đồng của ông Cao Viết Tỉnh. “Xã cũng đã báo cáo lên huyện để hoàn trả số tiền này vào ngân sách”, ông Kha cho biết thêm.

Ông Cao Viết Tỉnh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1967, trong một trận đánh, máy radar phòng không trúng đạn pháo của địch, 1 đồng đội hi sinh tại chỗ, ông và 2 đồng chí khác bị thương ở chân. Với thương tật này, ông được xếp hạng thương binh 4/4. Năm 1971, lính radar phòng không Cao Viết Tỉnh chuyển ngành. Trước khi nghỉ hưu ông là cán bộ Chi cục Thuế huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Giờ các con ông Tỉnh đều đã trưởng thành, ra ở riêng. Người vợ đồng cam cộng khổ đã mất cách đây gần 2 năm, ông sống một mình, tự trồng rau, chăm sóc vườn cây trái làm niềm vui và tự chăm sóc bản thân, chưa phiền đến con cháu. “Nước ta chưa giàu mạnh, nhưng vẫn lo cho mọi tầng lớp nhân dân. Là cán bộ chính sách, tôi ở trong diện được hỗ trợ, tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ. Nhưng tôi còn có chế độ, lương hưu nên xin trả lại tiền hỗ trợ của mình để nhường cho người khó khăn hơn”, ông Cao Viết Tỉnh tâm sự.

Làm đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ

Nghệ An: Những cựu binh xin hỗ trợ… ngược ảnh 2
Dù tuổi cao nhưng ông Cao Viết Tỉnh vẫn tự cuốc đất, trồng rau.

Vừa qua, UBND phường Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An) nhận được đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của ông Ngô Đức Hoàng. Trong đơn, ông Hoàng cho biết hiện đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Trung Đô. Thu nhập mỗi tháng của ông bao gồm tiền lương hưu, chế độ thương binh và trợ cấp chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi là hơn 10 triệu đồng. “Từ thực thế của bản thân thu nhập đều như vậy, không bị ảnh hưởng của nạn dịch – tôi xin tự nguyện không nhận số tiền mà Chính phủ ban cho. Số tiền đó xin nhường lại cho Nhà nước để hỗ trợ thêm cho những người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Ngô Đức Hoàng viết.

Tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Đậu Đức Phượng và Lê Tiến Trà – đều là cán bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và tín dụng – cũng xin không nhận tiền hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch UB MTTQ xã Quỳnh Tân thông tin, toàn xã có 96 trường hợp thuộc nhóm người có công, đối tượng chính sách đã được nhân viên bưu điện đến tận nhà trao tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đó 1 ngày, ông Phượng và ông Trà đã lên xã hỏi thủ tục xin gửi ủng hộ lại cho Nhà nước. Đây là sự việc bất ngờ nên xã đã xác nhận đơn và hướng dẫn 2 ông gửi lại tiền tại bộ phận chính sách của xã Quỳnh Tân và huyện Quỳnh Lưu.

“Ông Đậu Đức Phượng và Lê Tiến Trà đều là thương binh, hoàn cảnh kinh tế bình thường, nhưng 2 ông cho biết đã nhận được tiền chế độ chính sách hàng tháng rồi, nên gửi lại tiền cho Nhà nước để lo cho những người cần hơn”, ông Nguyễn Huy Long cho biết.

Nghệ An hiện đang triển khai chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo thống kê, rà soát của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nghệ An, tổng số đối tượng thuộc diện hỗ trợ trên địa bàn là 637 nghìn người, với số tiền gần 610 tỷ đồng. Trong đó, nhóm đối tượng người có công với cách mạng là 62 nghìn người, với số tiền 93 tỷ đồng; nhóm bảo trợ xã hội là 114 nghìn người với số tiền: 171,2 tỷ đồng; nhóm nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ gần 461 nghìn người, với số tiền: 345,6 tỷ đồng. Hiện Nghệ An đã thực hiện chi trả 2 đợt với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có nhóm đối tượng là lao động tự do, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng cũng nằm trong diện hỗ trợ, nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. Nguồn kinh phí để chi trả cho các đối tượng này gần 312 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn do nguồn lực của địa phương gặp nhiều hạn chế khi phải đối ứng 50%. Đây cũng là lý do khiến Nghệ An khó mở rộng đối tượng ngoài Quyết định 15. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ