Nghệ An: Ngày trở về như cổ tích của người phụ nữ 7 năm lưu lạc sang Trung Quốc

GD&TĐ - Tròn 7 năm trước, chị Lê Thị Lới (SN 1976) cùng con gái mất tích, gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không được. Cho đến một ngày, chị được một người đàn ông tốt bụng đem về tận nhà, và cho biết, suốt thời gian qua, chị lưu lạc ở tận Trung Quốc.

Chị Lới và ân nhân đưa chị về Việt Nam
Chị Lới và ân nhân đưa chị về Việt Nam

Mất tích bí ẩn

Câu chuyện kỳ lạ và kỳ diệu ấy làm xôn xao xóm làng xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Được đưa về nhà sau 7 năm lưu lạc ở Trung Quốc, người thân mừng mừng tủi tủi. Bà Đinh Thị Bình (SN 1964) là vợ của ông Lê Đình Đàn anh trai của chị Lới cứ nắm lấy tay em chồng, xuýt xoa, không cầm nổi nước mắt: “Từ khi nghe tin người ta tìm thấy em Lới thì vợ chồng tôi chẳng thể nào ngủ được, chỉ muốn mau mau bắt xe ra để đón về. Đến khi thấy em về thật thì cả nhà cùng khóc, cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn thành được ước nguyện trước khi mẹ mất”.

Nói rồi bà chậm rãi kể: Bố mẹ chồng sinh được 6 người con, trong đó chị L. là con gái út. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị Lới học hết lớp 6 thì phải nghỉ, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Sớm vất vả nhưng Lới xinh xắn, ưa nhìn có nhiều người con trai trong và ngoài làng đến tán tỉnh.

Khi được 15, 16 tuổi, cái tuổi bắt đầu biết rung động, Lới gặp và đem lòng yêu một thanh niên ngoài làng. Nhưng anh ta sau khi ăn trái cấm thì quất ngựa truy phong, bỏ đi không một lần tìm lại. Bị phụ tình, cô gái mới lớn bị sốc, hoảng loạn, trầm cảm. Từ đó, người thân thấy tính nết Lới thất thường, chậm chạp, không tỉnh táo nữa.

Thương con, gia đình đi chạy chữa khắp nơi nhưng do “tâm bệnh” nên uống thuốc bao nhiêu vẫn không khỏi. Từ đó, cô gái chủ yếu quanh quẩn ở trong nhà. Nhưng càng lớn lên, nhan sắc cô gái càng mặn mà, bố mẹ, anh chị lo lắng sợ những gã trai lợi dụng em mình khờ dại, nhưng cũng không thể lúc nào cũng ở bên cạnh quản được. Năm 27 tuổi, chị Lới mang bầu, chẳng biết bố đứa bé là ai.

Đúng lúc này, một người đàn ông ở xã bên đánh tiếng muốn cưới Lới về làm vợ. Người này đã qua một lần đò, nhưng thấy con mình dại dột, có người muốn hỏi cưới nên cả nhà đồng ý. Không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, chỉ làm vài mâm cơm trong nhà rồi rước dâu. “Mọi người cứ nghĩ từ nay cuộc đời của em sẽ có chỗ nương tựa, chứ bố mẹ làm chi sống mãi được để nuôi con, không ngờ rằng được vài tháng thấy Lới không bình thường nên họ lại mang về trả”, bà Bình cho biết.

Thời gian này chị Lới sinh hạ một bé gái, đặt tên là Mai. Các anh chị đã có gia đình riêng, Lới về sống với mẹ đẻ. Ít lâu sau, bé gái cứng cáp, Lới bồng con ra thị trấn Anh Sơn đi làm giúp việc cho một gia đình người quen để kiếm tiền. Nhưng chỉ một thời gian, cả 2 mẹ con mất tích, chẳng có tin tức gì.

Chủ nhà thì tưởng mẹ con Lới về quê rồi ở lại luôn không ra đi làm nữa. Dò hỏi mãi, thì có một vài người cho biết chị Lới và cháu bé được một thanh niên nào đó chở lên xe đi về xuôi. Rồi sau đó, mọi sự tìm kiếm đều đi vào ngõ cụt. “Hồi em Lới lạc mất, là tháng 12/2010, đến nay đúng tròn 7 năm”, bà Bình nói.

7 năm lưu lạc xứ người

Bà Bình, chị dâu của chị Lới xúc động mừng mừng tủi tủi khi em chồng đã về nhà
Bà Bình, chị dâu của chị Lới xúc động mừng mừng tủi tủi khi em chồng đã về nhà

Chẳng ai biết Lới và con gái đi đâu, làm gì, chỉ biết mất tích không dấu vết. Năm 2004, người mẹ già héo mòn không chờ được con gái đã qua đời. Cho đến gần đây nhận tin có người đăng ảnh Lới lên mạng xã hội và tìm người nhà. Đưa chị trở về quê là anh anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1977) quê quán huyên Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh cho biết: “Tôi làm ăn bên Trung Quốc cũng đã nhiều năm, trong một lần đi tới cửa khẩu để xin gia hạn visa thì nghe bạn nói có mấy phụ nữ người Việt Nam bị công an bắt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đồng hương gặp rắc rối nên mới định tới tìm hiểu, xem có giúp được gì hay không”, anh Hưng kể.

Tại đây, 3 người phụ nữ đang bị cơ quan công an giam giữ. Muốn bảo lãnh người ra thì phải nộp tiền, do không mang nhiều nên anh Hưng chỉ có thể nộp 8 triệu để đưa chị Lới ra ngoài. “Qua trò chuyện, tôi thấy chị Lới là người không bình thường. Chị L. nói mình ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nhưng cụ thể địa chỉ thì không nhớ. Chị cũng chỉ nói mình tên Lới còn họ thì không biết. Không biết làm cách nào,tôi chụp ảnh chị Lới và đăng lên Facebook nhờ mọi người giúp đỡ tìm gia đình cho chị”, anh Hưng cho biết.

Không ngờ, chỉ sau 3 ngày được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, gia đình chị Lới đã gọi điện nhận người thân. Sợ chị đi lạc nên anh Hưng tạm gác công việc, bắt xe đưa người phụ nữ này về tận quê nhà.

Cô gái năm nào giờ đã thành người phụ nữ 38 tuổi. Ngày đoàn tụ tràn ngập nước mắt, khi gặp lại được anh chị ruột thịt, chị Lới mới bình tĩnh hơn, và kể lại câu chuyện 7 năm qua trong đứt quãng, có chuyện nhớ, có chuyện quên.

Chị Lới từ từ nhớ lại năm xưa khi đang bế con gái chơi ngoài cửa nhà chủ nơi chị làm giúp việc, thì có một người phụ nữ tới rủ đi chơi. Tiếp đó người này cùng với một nam thanh niên đưa mẹ con chị Lới. ra xe rồi chở đi mãi, sang tận Trung Quốc. Sau một thời gian, người phụ nữ này bảo đã hết tiền gạo nên đem chị L. đến cho một người đàn ông.

“Con gái tôi thì ở lại với người phụ nữ đó, còn tôi bị bắt làm vợ người ta. Ông này già lắm rồi, tên là A Ân, tôi chẳng biết bao nhiêu tuổi đâu. Nhà cũng nghèo lắm… Tôi bị nhốt trong nhà, không được đi đâu. Họ hay đánh mắng tôi, giặt đồ cũng bị mắng, làm rơi bát cũng bị mắng… Tôi sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái, nhưng chẳng nhớ năm sinh…”, mọi người hỏi, chị Lới trả lời câu được, câu mất.

Cũng vì không được ra ngoài nên dù muốn về nhà với mẹ cũng không biết đi đường nào, muốn đi tìm con gái cũng không biết làm sao, nên cứ ở vậy cùng người đàn ông Trung Quốc. Buồn quá, chị khóc, nhưng ông ta đánh, chửi, có đôi lần chị phản kháng nhưng lại càng bị đánh nhiều hơn nên sợ.

Cho đến gần đây chị trốn được ra ngoài thì không biết đi đâu, và bị công an Trung Quốc phát hiện, bắt giữ vì không có giấy tờ tùy thân. Sau 2 tháng bị tạm giữ, thì được anh Hưng giúp đưa về Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng công an xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn xác nhận: “Chị Lới. là người địa phương, được xác định mất tích từ năm 2010, sau khi trở về thì đã gia đình lên trình báo toàn bộ sự việc. Hiện do không có nhà cửa, đầu óc không được minh mẫn nên chị Lới đang được người anh ruột chăm sóc”, ông Hùng cho biết thêm, đang tiếp tục làm rõ việc nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và tìm người con gái như trong lá đơn gia đình gửi lên cơ quan chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.