8.600 lao động bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), có 9 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hiện đang phải bố trí lao động theo ca, giảm giờ làm để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Kéo theo đó, có tới hơn 8.600 lao động giảm thu nhập hoặc không có việc làm. Đặc biệt ngành dệt may có nhiều lao động gặp khó khăn, thiệt hại nặng nề nhất.
Chỉ tính riêng 3 doanh nghiệp dệt may lớn đã có tới 5.000 lao động bị ảnh hưởng, cụ thể: Công ty TNHH SangWoo 1.400 người, Công ty may Minh Anh Kim Liên 2.600 người, Công ty TNHH Matrix 1.000 người. Không tăng ca, giảm giờ làm, sản xuất luân phiên khiến thu nhập bình quân của công nhân giảm theo từ 5 - 6 triệu đồng xuống còn 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều công ty may mặc cũng dự báo, dù hiện tại đã hết lệnh cách ly nhưng sản xuất chưa thể phục hồi, tình hình khó khăn vẫn kéo dài ít nhất đến cuối năm. Do nguồn nguyên liệu chính của ngành này từ Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp cung ứng từ phía nước bạn cũng chưa thể phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường chính của ngành dệt may Việt Nam là xuất khẩu đến các nước châu Âu, châu Mỹ cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Nguyên liệu thiếu, đầu ra hạn chế, hàng hóa khó xuất khiến đơn hàng, doanh thu của ngành may giảm sút nặng nề so với cùng kỳ năm trước.
Với nhiều doanh nghiệp, năng lực sản xuất vẫn bảo đảm, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm của Công ty CP Khoáng sản Á Châu phải lưu kho do không xuất đi được thị trường nước ngoài. Từ sản xuất 3 ca/ngày, công ty giảm xuống còn 2 ca, thu nhập của người lao động giảm từ 20 - 30%.
Tháng 4, đơn hàng tiêu thụ của Công ty TNHH điện tử BSE chỉ còn 1/3 so với tháng trước, doanh thu đạt 60 tỷ/185 tỷ kế hoạch. Doanh nghiệp này đã phải thỏa thuận để 3.400 lao động không làm việc ngày thứ 7. Tuy nhiên, vẫn có gần 700 lao động dư thừa được bố trí công việc tái chế hàng. Việc tái chế dự kiến cũng chỉ duy trì trong khoảng 1 tháng, nếu tình hình khó khăn kéo dài, doanh nghiệp phải chấp nhận cắt giảm ít nhất 700 lao động để “cầm cự”.
Tương tự, 30 lao động của Công ty TNHH Liên Hiệp giảm giờ làm với thời gian chỉ bằng 60% so với trước đó. Thu nhập vì vậy cũng chỉ được chi trả mức tương ứng.
Lương 5 triệu bị giảm… một nửa
Thu nhập giảm 30 – 40% là tình trạng chung của nhiều công nhân trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua. Về phía các chủ doanh nghiệp tìm nhiều giải pháp để duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất ở mức cầm chừng nhằm giữ người lao động, đồng thời mong muốn công nhân chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Nhung (23 tuổi, quê huyện Hưng Nguyên) là công nhân may cho biết: “Trước kia, thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 5 triệu đồng, nếu thường xuyên tăng ca thì sẽ thêm 1 – 1,5 triệu nữa. Đây là mức thu nhập ổn định ở nông thôn. Nhưng từ khi ra Tết đến nay, công ty ít đơn hàng, ít việc, nên thu nhập của tôi giảm gần một nửa. Một số người chủ động nghỉ việc, còn tôi tiếp tục làm vì nghĩ rằng thời điểm này công việc ở đâu cũng khó khăn”.
Đối với nhóm doanh nghiệp du lịch, có 40 người lao động Công ty CP Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ không có việc làm do doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động. Trong tháng 2 và 3, hệ thống Summer (Nghệ An) với hơn 700 phòng khách sạn hầu như ngừng hoạt động vì không có khách. Sang tháng 4, sau khi hết cách ly, với nhiều biện pháp kích cầu, giảm giá phòng, nhưng số lượng khách trong dịp nghỉ lễ cao điểm cũng chỉ đạt 1/3 số phòng.
“Chúng tôi cắt giảm nhân viên từ hơn 500 người xuống còn một nửa. Số lao động còn lại cũng chia ca làm việc, thu nhập giảm từ 2 – 3 triệu/người. Họ là những người đã có thời gian làm việc lâu dài nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong lúc khó khăn”, ông Đinh Văn Linh – Tổng Giám đốc điều hành hệ thống Summer cho hay.
Điều lo ngại nhất của nhiều doanh nghiệp là gánh nặng lãi suất ngân hàng trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi và dự kiến khó khăn kéo dài. Dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ của Công ty CP Thiên Minh Đức thời gian qua không nhập khẩu được thiết bị nên tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả lãi suất ngân hàng 2 tỷ đồng. Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh TĐV Việt Nam cũng gánh 300 triệu đồng/tháng.
Để duy trì hoạt động nhằm bảo đảm một phần thu nhập cho người lao động, nhiều doanh nghiệp Nghệ An đã đề nghị các ngân hàng xem xét giảm tối đa lãi suất tiền vay hoặc có chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho vay và khoanh nợ, giãn nợ. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện gói an sinh xã hội theo Quyết định số 42 của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp xây dựng phương án sắp xếp lại nhân lực. Trước đó, BHXH Nghệ An đã triển khai việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4.