UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn số 6413/UBND-VX gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét bổ sung chính sách BHXH cho người lao động.
Văn bản nêu, trong quá trình tổ chức thực hiện quy định của Luật BHXH, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, tỉnh Nghệ An gặp một số khó khăn, vướng mắc như chính sách đối với các trường hợp người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và đã nghỉ việc trước năm 1995.
Số lao động này chủ yếu nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân ốm đau hoặc người lao động có đơn xin nghỉ việc trong điều kiện đơn vị không sắp xếp bố trí việc làm, được tổ chức đồng ý.
Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, họ chưa được cơ quan, đơn vị giải quyết trợ cấp thôi việc, BHXH một lần.
Liên quan đến việc giải quyết chế độ BHXH, lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước 1/1/1995 chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Tuy nhiên, việc có chi trả BHXH hay không còn tùy thuộc vào từng đối tượng theo quy định.
Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An nêu, các trường hợp này không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư số 84/TTg ngày 20/8/1963 của Hội đồng Chính phủ về việc giải quyết chế độ hưu trí, thôi việc vì mất sức lao động của công nhân viên chức Nhà nước; Công văn số 1908/HT ngày 15/8/1973 của Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB&XH) về việc tính thời gian công tác của công nhân viên chức Nhà nước và không thuộc đối tượng chờ nghỉ việc theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015.
Vì vậy số lao động trên chưa được tính thời gian công tác trước khi nghỉ việc là thời gian công tác có đóng BHXH.
"Đa số đối tượng này tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do bệnh tật, không có nguồn thu nhập ổn định. Cơ quan chức năng đã có văn bản trả lời hoặc tổ chức đối thoại để hướng dẫn, giải thích đầy đủ các quy định của Nhà nước nhưng những người này đều cho rằng bản thân bị thiệt thòi quyền lợi so với những cống hiến của mình qua thời kỳ gian khó của đất nước.
Những đối tượng này đã gửi nhiều đơn kiến nghị, đơn thư vượt cấp làm phát sinh dư luận, ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội", văn bản của UBND tỉnh Nghệ An nêu.
UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Bộ LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho những người công tác trong cơ quan nhà nước, được đồng ý nghỉ việc vì có lý do chính đáng trước năm 1995 được tính thời gian công tác liên tục. Từ đó, tỉnh có cơ sở giải quyết chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho số lao động nói trên.
Trước đó, bà Trần Thị Ngọc (SN 1959, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) từng phản đến Báo Giáo dục và Thời đại liên quan đến vấn đề trên. Bà Trần Thị Ngọc là giáo viên dạy cấp 1 tại Trường Tiểu học Nghĩa Dũng – Nghĩa Thái và Nghĩa Phúc từ năm 1965 - 1992. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị tai nạn mất sức lao động, nhà cách xa trường, con nhỏ nên bà xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, gần 30 năm, bà chưa nhận được khoản trợ cấp nào và nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.
Ông Hoàng Đình Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho hay, trường hợp bà Trần Thị Ngọc nghỉ việc do hoàn cảnh riêng, không phải vì tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức, nên thời gian công tác trước khi nghỉ việc sẽ không được tính vào thời gian công tác liên tục. UBND huyện đã yêu cầu BHXH và Phòng GD&ĐT hướng dẫn bà Ngọc bổ sung các loại hồ sơ hợp pháp. Sau đó báo cáo UBND tỉnh xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, quyết định giải quyết cho bà Ngọc.