Công nhân Bình Dương bán sổ bảo hiểm xã hội: Thiệt đơn thiệt kép

Công nhân Bình Dương bán sổ bảo hiểm xã hội: Thiệt đơn thiệt kép

Hành vi trên vừa bị Bảo hiểm Xã hội, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện và đang điều tra xử lý.

Mua bán sổ như mua mớ rau

Theo chia sẻ của một công nhân có nick name “chán đời”, anh tham gia một nhóm công khai tên “Mua bán BHXH trước thời hạn”. Vì thế nắm được thông tin có nhiều người cần mua lại sổ BHXH từ công nhân bị thất nghiệp. Ngay khi đăng thông tin “Cần cầm hoặc bán lại sổ BHXH 2 năm 2 tháng” đã có nhiều người inbox anh chào giá và hẹn đến lấy sổ. Tuy nhiên, do lo lắng dính líu đến pháp luật nên anh không bán nữa.

Chị N.T.V.T, nữ công nhân của một doanh nghiệp trong KCN Mỹ Phước đã nghỉ việc từ trước Tết. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa thể xin việc tại công ty mới. Hoàn cảnh quá khó khăn với đủ thứ tiền phòng trọ, tiền sinh hoạt nên khi nghe bạn bè thông tin có nhiều người đang lùng mua sổ BHXH trên mạng, chị gia nhập nhóm và rao bán sổ BHXH 7 năm 8 tháng của mình. Tuy nhiên, mức giá mà người cần mua (có tên Hoa Kim Ngọc, số điện thoại zalo 0942966023) trả cho chị quá rẻ (hơn 7 triệu đồng) nên chị từ chối không bán.

Không chỉ dụ dỗ các công nhân mất việc vì dịch Covid-19, công nhân có hoàn cảnh khó khăn cầm hoặc bán sổ, nhiều đối tượng còn công khai lập hàng loạt các trang giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương trên Facebook như: “BHXH Bình Dương”, “Mua bán BHXH Việt Nam”, “Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương”, “Thu mua sổ bảo hiểm xã hội giá cao”… để tạo lòng tin với công nhân, cũng như ngang nhiên rao việc thu mua mọi loại sổ BHXH như thu gom mớ rau, con cá ngoài chợ.

Để tạo thuận lợi hơn cho công nhân trong việc cầm cố, mua bán sổ BHXH nhiều đối tượng còn hướng dẫn công nhân thực hiện việc ủy quyền nhận BHXH một lần (nhờ người khác) để đễ thực hiện hành vi trục lợi của mình. Đáng chú ý, tại nhiều nhóm thu mua sổ BHXH có tên “Thu mua sổ bảo hiểm xã hội giá cao”, “Thu mua sổ Bảo hiểm Xã hội” các “đầu nậu” thu gom sổ còn tung cả chiêu “khuyến mãi” cho những công nhân bán sổ BHXH như: “Lì xì ngay 300k cho khách giao dịch chiều này hoặc sáng mai. Không phân biệt sổ tháng nào lớn hay nhỏ đều có. Liên hệ số điện thoại zalo 0908543860”. “Anh, chị, em cần giải quyết nhanh để nhận tiền. Cứ liên hệ số điện thoại 092555570, 30 phút có tiền”...

Ngay sau khi nắm được thông tin từ các kênh, BHXH tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA06, Công an tỉnh) và Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Dương đề nghị vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức mạo danh cơ quan Nhà nước trên không gian mạng nhằm trục lợi.

Thiệt thòi lớn cho chủ sổ

Công nhân Bình Dương bán sổ bảo hiểm xã hội: Thiệt đơn thiệt kép ảnh 1

Trao đổi với phóng viên về tình trạng thu gom sổ BHXH của công nhân, bà Lê Minh Lý – Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: Đơn vị đã nắm bắt tình hình vụ việc từ rất sớm và đã ngay lập tức có văn bản gửi Công an tỉnh Bình Dương phối hợp điều tra xử lý.

Bà Lý cũng cho biết, hiện BHXH tỉnh Bình Dương không sử dụng bất cứ trang nào của đơn vị trên Facebook. Đơn vị này chỉ có một trang web duy nhất là: https://binhduong.baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx. Vì vậy, các trang lấy tên liên quan đến BHXH tỉnh Bình Dương đều là giả mạo.

“Người lao động đừng cả tin và nghe lời dụ dỗ của các đối tượng trên mạng. Bởi khi người lao động nghỉ việc, mất việc vì dịch Covid-19 hoặc vì lý do khác họ vẫn còn có nhiều chính sách hỗ trợ như: Chủ doanh nghiệp trả lương (người lao động nghỉ chờ việc), được nhận trợ cấp thất nghiệp do quỹ BH thất nghiệp chi trả. Việc người lao động bán sổ BHXH không chỉ bị ép giá, toàn bộ quá trình đóng BHXH của người lao động sẽ bị mất, hết dịch Covid-19, công nhân đi làm trở lại sẽ tham gia BHXH lại từ đầu, ảnh hưởng đến quá trình nhận lương hưu sau này” – bà Lý nói.

Sổ BHXH là căn cứ để ghi nhận lại toàn bộ quá trình đóng tiền BHXH hàng tháng của người lao động. Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố thì người lao động cũng sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ. Còn theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 1/10/2015 và Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của cơ quan BHXH Việt Nam thì trường hợp người lao động vì lợi ích trước mắt mà đem cầm cố, thế chấp sổ BHXH thì sẽ không được cấp lại.

Trao đổi về việc đang có hiện tượng thu gom sổ BHXH tại các KCN, dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã tiếp nhận văn bản đề nghị điều tra từ BHXH tỉnh Bình Dương. Mọi việc vẫn đang trong quá trình thu thập, điều tra.

Liên quan đến việc này, ngày 13/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo khẩn gửi BHXH các tỉnh, thành phố. Giao các bộ, cơ quan: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.

Luật sư Lê Bá Thường (Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành):

“Về phía người đưa lên mạng thông tin giả danh cơ quan BHXH của Nhà nước để thu gom sổ BHXH của người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính về tội giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020. Ngoài ra, tùy mức độ, hành vi này còn có thể bị xử hình sự “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.