(GD&TĐ) - Ngành học mầm non Nghệ An vào năm học mới đến nay vừa tròn một tháng và đang có những chuyển động đáng khích lệ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Đường, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về chủ trương của tỉnh đối với ngành học này.
Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi được biết vừa qua, Nghệ An làm rất tốt việc chuyển đổi loại hình trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin ông nói rõ về vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Thực hiện chủ trương của Nhà nước và thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận thức được vấn đề ngành học mầm non là một ngành học quan trọng, nên ngày 10/12/2010, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ra Nghị quyết số 350/2010/NQ-HĐND và ngay sau đó, ngày 07/01/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND.VX về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non. Theo Quyết định này, 37 trường mầm non bán công khu vực 2 miền núi của tỉnh được chuyển thành trường công lập; 296 trường mầm non bán công và 02 trường mầm non công lập (ở Vinh và Nam Đàn) được chuyển thành trường công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động; 16 trường mầm non công lập trọng điểm và 20 trường mầm non bán công khác có điểu kiện được chuyển thành trường công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Như vậy, tại thời điểm này, Nghệ An có 509 trường mầm non, trong đó có 06 trường dân lập và 07 trường tư thục, còn lại đều là trường công lập (trong đó có 334 trường công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động). Ngay sau khi hoàn thành việc chuyển đổi loại hình trường mầm non, gần 6.000 cô giáo đang hợp đồng của ngành học này đã được xét tuyển vào biên chế nhà nước. Có thể nói Nghệ An đã đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập - đây là một cố gắng rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục mầm non.
Các cô giáo Trường MN Hoa Sen (Vinh, Nghệ An) trao đổi với nhau cách chuẩn bị tiết dạy trên máy vi tính |
Phóng viên: Hiện nay, cả nước đang tập trung sức vào việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nghệ An chúng ta thực hiện vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Ngày 09/02/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Sau gần một năm chuẩn bị, ngày 10/12/2010, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết số 348/2010/NQ-HĐND về việc thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; ngày 07/01/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định số 63/QĐ-UBND.VX phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 96% trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; huy động 85% trẻ em từ 3 đến 4 tuổi và 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đến trường; 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ em vào lớp 1; 100% số huyện, thành phố, thị xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 1015. Theo lộ trình của Đề án, Nghệ An sẽ phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào cuối năm 2014. Lộ trình thì như vậy, nhưng chúng tôi đang quyết tâm huy động tối đa mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non để kết thúc lộ trình sớm hơn.
Đề án mới phê duyệt chưa được một năm, nhưng thực tế, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã được khởi động trên địa bàn Nghệ An gần hai năm nay. Vừa rồi rà soát lại, chúng tôi đã cơ bản đạt hai yêu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ và yêu cầu về đội ngũ giáo viên. Cái khó nhất hiện nay của Nghệ An là hai yêu cầu về cơ sở vật chất và thiệt bị dạy học. Hiện nay một số trường mầm non vẫn còn phòng học tạm, phòng học mượn, thiếu các phòng chức năng và trang thiết bị dạy học. Để giải bài toán về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đòi hỏi một lượng kinh phí không nhỏ. Chúng tôi đang cố gắng tạo sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành, trong các lực lượng xã hội về chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; riêng tỉnh sẽ dành phần kinh phí hợp lý, thích đáng của các chương trình, các dự án liên quan, của kinh phí chi thường xuyên và kể cả vốn vay nước ngoài cho yêu cầu này.
Một tiết dạy ở Trường MN Hưng Dũng 1 (Vinh, Nghệ An). |
Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi được biết ngày 16/8/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ.UBND quy định mức thu học phí mầm non công lập thực hiện chương trình chất lượng cao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Nhưng khi một số trường ở thành phố Vinh triển khai thực hiện, nhiều phụ huynh tỏ thái độ không đồng tình. Nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã phản ánh tình hình này. Trước thực tế đó, xin ông cho biết tỉnh đã có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Chúng tôi đã có thông tin về vấn đề này, vì thế chiều ngày 20/9 vừa rồi, bản thân tôi đã chủ trì một cuộc họp với các ngành liên quan, có sự tham dự của báo chí để thống nhất cách giải quyết. Nguyên nhân cơ bản gây nên sự không đồng thuận là do cách triển khai thực hiện của cơ sở. Hiện tại, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở liên quan hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn theo hướng: các trường mầm non khi thực hiện chương trình chất lượng cao sẽ tự xây dựng mức thu học phí, trình UBND thành phố, huyện, thị xã phê duyệt, nhưng không được vượt mức trần tối đa (540.000 đồng/tháng/cháu) mà Quyết định số 40/2011/QĐ.UBND đã quy định.
Minh Đức (thực hiện)