Nghệ An: Cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 10

Chiều ngày 13/9, UBND tỉnh Nghệ An có công điện khẩn gửi các đơn vị bộ đội, công an cùng các địa phương trong toàn tỉnh về việc phòng chống cơn bão số 10.

Thuyền bè tránh trú tại cảng
Thuyền bè tránh trú tại cảng

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Chủ tịch UBND  tỉnh Nghệ An - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị công an, bộ đội, các sở ban ngành, UBND các huyện: Tiếp tục thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả nội dung công điện của Trung ương và tỉnh. Đài Khí tượng Thủy Văn khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão; Thông tin kịp thời.

Tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường, để xảy ra hậu quả đáng tiếc, thiệt hại đến tính mạng và tài sản, đặc biệt là tính mạng con người. Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục thuỷ sản và Cảng vụ hàng hải Nghệ An, bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm số lượng tàu thuyền, hướng dẫn, tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão. Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi, kể từ 7 giờ ngày 14/9/2017.

Khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch và các sản phẩm hoa màu khác, chỉ đạo các doanh nghiệp, các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và các diện tích nuôi trồng thuỷ sản chưa đến kỳ thu hoạch; Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, có phương án bảo vệ đê điều, hồ đập giữ nước để phục vụ sản xuất.

Công điện khẩn cũng nêu rõ các địa phương phải kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...; tổ chức di dời dân khi cần thiết, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời... Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, công trình cao tầng, cần cẩu tháp, đường điện cao thế, thông tin liên lạc và các công trình xây dựng cơ bản khác; Sở Công thương chỉ đạo việc kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện:

Các lực lượng vũ trang (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu và đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian bão và mưa lũ. Thường trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Trước đó, vào khoảng 23h (ngày 12/9), tàu cá mang số hiệu NA 90986 TS do anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng đang trên đường vào đất liền tránh bão số 10. Khi đến tọa độ 107,49 Kinh độ Đông, 18,08 Vĩ độ Bắc, tàu cá bất ngờ bị hỏng hộp số không thể khắc phục, buộc phải thả trôi trên biển. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng đã điện đàm cho các tàu cá đang ở gần và cơ quan chức năng đến ứng cứu.

Nhận được điện đàm của tàu cá gặp nạn, 3 chiếc tàu của ông Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Bá Thảo đều trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu đến ứng cứu.

Đến sáng ngày 13/9, 3 chiếc tàu trên đã gặp được và lai dắt chiếc tàu gặp nạn. Sau gần 20h tích cực ứng cứu và lai dắt, chiếc tàu gặp nạn đã được 3 tàu cá đưa vào cảng Gianh, tỉnh Quảng Bình vào đất liền an toàn. Hiện, sức khỏe của các thuyền viên trên tàu gặp nạn đã dần ổn định và đang tích cực tổ chức neo đậu trú bão số 10 an toàn.               

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ