Tỉnh Nghệ An cũng đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp ứng phó với bão. Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sóng biển cao từ 3-5m; Biển động rất mạnh. Bão số 2 dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền vào rạng sáng ngày 17-7-2017. Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão, từ chiều và đêm ngày 16/7 đến ngày 17/7 đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Tổng hợp lượng mưa từ ngày 14/7 đến 19 giờ ngày 15/7/2017 phổ biến từ 30 đến 100 mm.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; tính đến 6 giờ 30 ngày 16/7/2017 có 386 phương tiện với 2.601 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 132 phương tiện với 1.614 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 3.394 phương tiện neo đậu tại bến. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Bão số 2, đang chủ động tìm nơi trú ẩn.
Cùng với việc "cấm biển", không cho tàu thuyền ra khơi từ ngày hôm nay 16/7, Nghệ An cũng đã, đang triển khai các phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, giao thông trọng điểm khi có bão lớn, lũ ống lũ quét.
Các địa phương, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở. Hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang. Chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.
Được biết, trước đó, từ đầu tháng 7, Công ty cổ phần Công viên cây xanh thành phố Vinh đã huy động công nhân và máy móc chặt tỉa cây xanh trên 44 tuyến đường trước mùa mưa bão.
Các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn: Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh,… sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Tất cả các vị trí phải tổ chức trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ.