Ngày về của 4 thuyền viên sau 25 giờ giành giật sự sống trên biển

GD&TĐ - Ngày những thuyền viên may mắn sống sót trên biển trở về đến quê nhà, mẹ đón con trong nước mắt vòng tay ôm ghì, giữ chặt không dám rời một bước. Nỗi lo lắng, hoảng sợ vẫn chưa hết đối với những người đàn bà làng biển.

Các ngư dân trẻ tuổi trở về trong vòng tay người thân sau tai nạn chìm tàu tại Quảng Bình ngày 5/9.
Các ngư dân trẻ tuổi trở về trong vòng tay người thân sau tai nạn chìm tàu tại Quảng Bình ngày 5/9.

Trở về từ cơn bão biển

Hơn 3h sáng nay, ngày 7/9, thuyền viên Phạm Văn Hoàng (SN 1993) đã về đến nhà tại xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An sau vụ tai nạn chìm tàu ở Quảng Bình. Người thân, làng xóm tập trung túc trực, chờ đợi để đón Hoàng còn sống sót trở về bằng xương, bằng thịt.

Ông Phạm Văn Nguyên (bố thuyền viên Hoàng) cho biết: “Khoảng hơn 9h sáng hôm qua (6/9), nghe tin có 4 thuyền viên trong đó có cháu Hoàng đã được lực lượng cứu hộ, biên phòng Quảng Bình, Quảng Trị cứu sống, cả nhà mừng không kể xiết".

Thuyền viên Phạm Văn Hoàng (áo xanh) sau khi được tàu biên phòng Quảng Trị cứu sống.
 Thuyền viên Phạm Văn Hoàng (áo xanh) sau khi được tàu biên phòng Quảng Trị cứu sống.

"Con gọi báo về nói được cho ăn uống, nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Nhà tôi bắt xe vào trong đó, rồi đến đêm thì xin đưa con về nhà. Còn 3 người khác vẫn đang yếu nên sẽ theo người thân về sau”, ông Nguyên cho hay.

Gia đình Hoàng cho biết thêm: “Ngày 11/9 âm lịch tới đây là đám cưới của nó, thật may mắn là nó thoát nạn trở về, nó có bề gì thì cả 2 bên gia đình không biết phải làm sao”.

Trước đó, sáng ngày 5/9 tàu cá NA 93010 TS bị sóng đánh chìm trên vùng biển Quảng Bình, tất cả 7 ngư dân huyện Quỳnh Lưu trôi dạt ra biển. Trong đó 2 thuyền viên lớn tuổi nhất là Trần Quang Thiện (53 tuổi) và Đậu Ngọc Cầm (67 tuổi) mất tích.

Còn 5 thuyền viên là Trần Văn Cường (16 tuổi), anh Ngô Sỹ Xô (19 tuổi), anh Lê Văn Chiến (18 tuổi) được tàu biên phòng Quảng Trị cứu sống, và Nguyễn Văn Thắng trong lúc dạt ngoài biển được tàu hàng cứu vớt.

3 thuyền viên Trần Văn Cường, Ngô Sỹ Xô và Lê Văn Chiến về đến quê nhà tại Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
 3 thuyền viên Trần Văn Cường, Ngô Sỹ Xô và Lê Văn Chiến về đến quê nhà tại Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Chiều ngày 7/9, ô tô của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đưa 3 thuyền viên Trần Văn Cường (16 tuổi), anh Ngô Sỹ Xô (19 tuổi), anh Lê Văn Chiến (18 tuổi) về đến UBND xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tại đây, người nhà, đông đảo bà con cùng lãnh đạo xã, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã chờ sẵn.

Mọi người òa khóc, ôm chầm lấy những ngư dân trẻ tuổi. Những người mẹ gương mặt khắc khổ đầy nước mắt, ôm chặt con không rời một bước, không dám buông tay ra. Như sợ sẽ tuột mất con trai mình. Nỗi sợ cố hữu của những người đàn bà làng biển bao nhiêu đời qua. Nhưng vì mưu sinh, họ vẫn phải để chồng, con ra khơi, bám biển.

25 giờ giành giật sự sống trên biển

“Chúng tôi bám lấy nhau và bám lấy tấm ván trôi dạt trên biển và hi vọng có người kịp tới cứu. Mưa, lạnh, đói có người muốn ngất xỉu. Cả mấy anh em không dám bỏ tay nhau ra, cố gắng động viên để không buông xuôi, không chìm xuống biển”, ngư dân Phạm Văn Hoàng vẫn nhớ như in 25 giờ giành giật sự sống trên biển.

Các thuyền viên được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ sau 25 giờ bám trụ trên biển
 Các thuyền viên được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ sau 25 giờ bám trụ trên biển

Phạm Văn Hoàng kể tiếp: Lúc đó vào khoảng 8h sáng ngày 5/9, tàu cá bắt đầu xuất cảng Lạch Gianh (Quảng Bình) để về quê sau nhiều ngày tránh bão số 4 và áp thấp nhiệt đới tại đây. Khi tàu nổ máy chạy ra biển cách đất liền khoảng 2 hải lý (gần 4 km) gió thổi mạnh, sóng lớn, từng đợt nước đổ ập vào tàu.

Con tàu bị sóng đánh chìm, cả 7 ngư dân chưa ai kịp mặc áo phao rơi xuống biển, sóng đánh dạt mỗi người một nơi. May mắn những chiếc phao dù, tấm xốp nổi lên, các thuyền viên bơi lại để bám vào.

Cán bộ biên phòng thăm hỏi gia đình thuyền viên nhỏ tuổi nhất - emTrần Văn Cường
Cán bộ biên phòng thăm hỏi gia đình thuyền viên nhỏ tuổi nhất  - emTrần Văn Cường 

“Lúc này nhìn quanh chỉ có 5 anh em, ngoài tôi còn có Nguyễn Văn Thắng, Lê Văn Chiến, Phạm Văn Hoàng, Trần Văn Cường và Ngô Sỹ Xô, còn 2 người khác thì mất tích, không thấy đâu cả”, Hoàng nhớ lại.

Trong lúc cả nhóm đang cùng nhau bám lấy phao, xốp lênh đên trên biển thì Nguyễn Văn Thắng thấy có chiếc phao nên đã bơi ra để ôm và sau đó bị sóng biển xô ra xa và may mắn được một tàu chở hàng đi qua cứu vớt.

Đến khoảng 3h sáng ngày 6/9, Phạm Văn Hoàng phát hiện một số khúc gỗ bị nước lũ cuốn ra biển đã bơi ra giữ lại kết làm bè. 4 thuyền viên cởi quần áo dài ra để buộc các khúc gỗ lại với nhau và đặt lên trên phao và xốp rồi tiếp tục bám trụ trên biển.

Buông tay ra là chết

Thuyền viên Ngô Sỹ Xô đã ngất xỉu mấy lần. “Nhiều giờ cố bám trên biển, sóng lớn, em kiệt sức, vừa đói vừa lạnh, 2 hàm răng cứng đơ, suýt nữa thì em buông phao chìm xuống. May có các anh khác lớn tuổi đỡ em lên tấm gỗ để em tỉnh lại”, Xô rùng mình nhớ lại.

Lúc ấy, để đỡ đói và khát, các thuyền viên vơ tạm bèo tây bị nước lũ cuốn ra biển nhai tạm, rồi thấy 4 hộp sữa tươi thì bóc ra chia nhau uống để cầm cự.

“Dù tinh thần hoảng loạn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau, đoàn kết, trợ giúp nhau cố gắng bám vào phao, lúc đó buông tay ra là chết", các thuyền viên cho hay.

Người thân mừng tủi đón thuyền viên Ngô Sỹ Xô từ cõi chết trở về
Người thân mừng tủi đón thuyền viên Ngô Sỹ Xô từ cõi chết trở về 

Đến khoảng 9 giờ sáng ngày 6/7, nhìn từ xa thấy có tàu cứu hộ đang di chuyển, thuyền viên Trần Văn Cường được 3 người còn lại đẩy lên đứng trên bè gỗ, hét to và ra hiệu cứu hộ. Khoảng 5 phút sau, tàu cứu hộ CN09 thuộc Đồn biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tới cứu vớt 4 ngư dân lên tàu và đưa về bờ. Vị trí cứu vớt ngư dân cách nơi tàu đắm khoảng 70 km.

“Dù kiệt sức nhưng biết đó là cơ hội sống sót của mình nên chúng tôi đã cố gắng, khi tàu cứu hộ thấy và di chuyển về phía chúng tôi, ai cũng khóc, vậy là mình được cứu sống rồi”, thuyền viên Cường kể.

Hiện 2 thuyền viên Trần Quang Thiện (53 tuổi) và Đậu Ngọc Cầm (67 tuổi) quê ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An mất tích vẫn chưa tìm thấy. Công tác cứu hộ, tìm kiếm 2 thuyền viên này vẫn đang được khẩn trương thực hiện.

Trong 5 thuyền viên sống sót, ngoài 4 người đã trở về nhà thì thuyền viên Nguyễn Văn Thắng sau khi được tàu hàng cứu vớt đã ở lại cùng với lực lượng cứu hộ tìm kiếm 2 bạn thuyền đang mất tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.