Ngành mang sứ mệnh giúp đỡ nhóm người yếu thế

GD&TĐ - Công tác xã hội (social work) hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam...

Sinh viên khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia hoạt động ngoại khóa về cộng đồng LGBT. Ảnh: Khoa Công tác xã hội
Sinh viên khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia hoạt động ngoại khóa về cộng đồng LGBT. Ảnh: Khoa Công tác xã hội

Công tác xã hội trở thành ngành nghề mang giá trị nhân văn sâu sắc, sẻ chia và nhân lên hạnh phúc trong cuộc sống cho mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu công tác xã hội có sứ mệnh theo đuổi mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và tiến bộ xã hội, thúc đẩy sự phát triển hài hòa, bền vững và bình đẳng.

Ngành học không thiết thực?

Vũ Hồng Việt (21 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện là sinh viên năm cuối khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Theo Việt, công tác xã hội nói chung là công việc giúp đỡ những người không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.

Đó có thể là bất kì nhóm người nào cần sự giúp đỡ: Trẻ em, người già, người khuyết tật, nạn nhân của biến cố xã hội, chính trị hoặc thiên tai… hoặc thậm chí là cả động vật. Mục tiêu là giúp những nhóm người này có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển.

Một trong những tổ chức hoạt động về công tác xã hội lớn trên thế giới là UNICEF - tổ chức Liên hợp quốc, phạm vi hoạt động trên toàn cầu. UNICEF luôn đi đầu trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở hơn 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Từ đó có thể thấy, hoạt động công tác xã hội xuất hiện toàn cầu, ở bất cứ đâu cũng cần có người giúp đỡ. Thực tế, đây không phải ngành học non trẻ và xa lạ. Công tác xã hội vẫn luôn xuất hiện trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, Hồng Việt đánh giá, ngành Công tác xã hội phù hợp với những bạn trẻ có niềm đam mê và khát khao giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn, đối tượng có hoàn cảnh bất lợi trong xã hội.

“Nhiều ý kiến cho rằng đây là một ngành học nặng về lý thuyết và có phần vĩ mô, khó trở thành cái nghề “kiếm cơm” như những nghề khác. Tuy nhiên đối với tôi, ngành nào cũng mang sứ mệnh riêng và có tầm quan trọng như nhau. Người trẻ có thành công trong ngành nghề đó hay không phụ thuộc nhiều vào bản thân mỗi người. Về ngành Công tác xã hội nói riêng và khối ngành xã hội nói chung, người học cần có đam mê và tầm nhìn rõ ràng, nếu không rất dễ bị mất phương hướng”, Hồng Việt thẳng thắn nêu quan điểm.

nganh mang su menh giup do nhom nguoi yeu the3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Tiềm năng phát triển trong xã hội 4.0

Nguyễn Thị Thuỳ Dung (21 tuổi, quê Thanh Hoá) đến với ngành học này không phải là lựa chọn ban đầu. Bạn trẻ này đăng ký nguyện vọng 1 là khoa Báo chí song vì thiếu điểm nên Dung quyết định tìm cơ hội thứ hai, thử sức với ngành Công tác xã hội.

Thuỳ Dung tâm sự: “Ban đầu, khi nghe nhiều người vô tư đùa giỡn, nói về ngành của mình với thái độ coi thường ‘học cái này sau ra trường biết làm gì’, ‘học xong liệu có nơi nào nhận vào làm việc không hay lại thất nghiệp dài dài’… tôi cũng thấy buồn và khá hoang mang. Thế nhưng trong quá trình được đào tạo, được học và thực hành, tôi dần khám phá được nhiều kiến thức, nhìn thấy tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp”.

“Thật ra khi đi sâu vào tìm hiểu, tôi nhận thấy ngành Công tác xã hội không hề viển vông mà ngược lại rất thiết thực. Thậm chí, đây còn là một trong những ngành học đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện ưu tiên phát triển bởi nó gián tiếp tạo tác động cân bằng xã hội. Nhu cầu nhân lực mà xã hội cần theo tôi đánh giá là khá cao bởi các hoạt động hỗ trợ cộng đồng đang rất phát triển trong thời đại thế giới phẳng”, Thuỳ Dung đánh giá.

Hiện tại, dù chưa tốt nghiệp song Thùy Dung đã có cơ hội hợp tác làm việc với một số tổ chức phi chính phủ về bảo vệ trẻ em, người khuyết tật và phụ nữ bị bạo hành. Việc học ngành Công tác xã hội đã giúp cô có kiến thức, kỹ năng cần thiết để phân tích và giải quyết vấn đề. Tham gia cộng tác tích cực với các dự án, Thuỳ Dung đang tập trung hỗ trợ thiết kế, triển khai các chương trình và dự án xã hội.

“Đạo đức tốt là yếu tố tiên quyết mà một nhân viên công tác xã hội cần và bắt buộc phải có. Thứ hai, kỹ năng giao tiếp - cả bằng lời nói và ngôn ngữ cơ thể - là một kỹ năng quan trọng cần rèn luyện nếu muốn nghiêm túc theo đuổi ngành công tác xã hội, bởi các nhân viên công tác xã hội sẽ phải giao tiếp với rất nhiều nhóm người: Khách hàng, đồng nghiệp và các cơ quan khác...

Bên cạnh đó, công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn, khả năng lắng nghe và giao tiếp tốt. Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao là một trong những điểm mạnh của các nhân viên công tác xã hội. Hiểu đơn giản, các nhân viên công tác xã hội có mức độ tự nhận thức cao, sự đồng cảm và nhạy cảm với người khác. Chỉ khi đó, họ mới có thể làm tròn sứ mệnh hàn gắn những rạn nứt của xã hội, hướng đến một thế giới công bằng, nhân văn và nhân ái hơn”, Thuỳ Dung chia sẻ.

Thuỳ Dung thẳng thắn chia sẻ, những ai muốn theo ngành Công tác xã hội phải xác định rằng sẽ làm việc nhiều với các đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Vì vậy, những người làm trong ngành này cũng cần trang bị một số những kỹ năng cơ bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ