Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của các Sở GD&DT, các nhà trường cần ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
Triển khai chiến dịch cao điểm về truyền thông, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của nhà trường về Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS như Lễ ra quân phát động, Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2015) tại các địa phương, đơn vị vào thời điểm:
Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cần được tổ chức trước hoặc trong ngày mở đầu Tháng hành động (ngày 10/11/2015).
Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia và nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài mít tinh và diễu hành, có thể tổ chức các hoạt động phối hợp như toạ đàm, giao lưu về chủ đề về HIV/AIDS, trưng bày, triển lãm, ca nhạc hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tùy theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
Cùng với đó, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử; đặc biệt các mô hình, can thiệp của người nhiễm HIV làm chủ trong phòng, chống HIV/AIDS và giúp nhau trong cuộc sống. Chú trọng đến những người dễ tổn thương, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới và hải đảo.
Gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người dễ bị cảm nhiễm với HIV, tuyên truyền vận động, hướng dẫn họ tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS.
Huy động đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Biểu dương kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong nhà trường.