Ngành Giáo dục Đồng Tháp thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

GD&TĐ -Tại Đồng Tháp 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được trang bị Tủ sách pháp luật; 100% các trường tại tỉnh thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác.

Ngày 6/12, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); việc thực hiện đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2020/NĐ-CP tại Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong thời gian qua, Sở luôn được địa phương quan tâm, chỉ đạo sâu sát và nhận được sự phối hợp tốt từ các đơn vị trong việc triển khai thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch công tác PBGDPL.

5.jpg
Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp báo cáo với Đoàn công tác.

Hiện 100% đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện rà soát, cập nhật nội dung chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; thông qua hoạt động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hằng năm và gắn với thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mỗi nhà trường và địa phương trong đó chú trọng các nội dung dạy và học pháp luật phù hợp với các độ tuổi của học sinh.

Bên cạnh đó, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trang bị Tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tủ sách pháp luật của các nhà trường thường xuyên được bổ sung tài liệu, danh mục, thiết bị phục vụ công tác PBGDPL tại đơn vị. Tổng số sách pháp luật toàn ngành có gần là 18.000 quyển.

Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành để lập thành danh mục gửi cho các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với ngành công an địa phương và các ngành hữu quan tổ chức tốt công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý cho học sinh trong nhà trường.

4.jpg
Thành viên Đoàn công tác trao đổi tại buổi làm việc.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai một số cơ sở giáo dục, việc đưa nội dung tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường tạo nên sự quá tải đối với giáo viên trong công tác soạn kế hoạch bài dạy, phân bổ thời lượng giảng dạy và lựa chọn hình thức giảng dạy. Kinh phí thực hiện công tác PBGDPL ở các đơn vị trường học còn hạn hẹp nên các hoạt động như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc biểu dương và đánh giá cao việc triển khai việc nỗ lực thực hiện của Sở GD&ĐT cũng như tập thể các nhà trường trên địa bàn tỉnh trong triển khai công tác PBGDPL. Đặc biệt, địa phương đã có nhiều cách làm, mô hình hay trong công tác PBGDPL.

1.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Vai trò của công tác PBGDPL trong nhà trường rất quan trọng. Bộ GD&ĐT rất quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác PBGDPL, đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành phải bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, hiệu quả. Giáo dục giúp hình thành tinh thần thượng tôn pháp luật cho học sinh từ khi có ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ trưởng đề nghị ngành Giáo dục Đồng Tháp thời gian tới cần tăng cường công tác này, theo hướng tăng cường chỉ đạo, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh kiến nghị bố trí ngân sách cho hoạt động này theo đúng quy định.

Trên địa bàn tỉnh có 100% các đơn vị thực hiện lồng ghép tích hợp giáo dục phòng, chống tội phạm, phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phòng chống mua bán người vào các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học,...và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt chủ điểm dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm.

Các đơn vị còn thường xuyên đa dạng hóa tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp như: phát thanh học đường, sinh hoạt dưới cờ bằng hình thức sân khấu hóa, pano, apphich và thực hiện tốt tuyên truyền trên môi trường mạng nhằm kịp thời hỗ trợ và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tổ chức Phiên toà giả định về phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma tuý, thuốc lá điện tử; an toàn giao thông; bảo vệ quyền trẻ em... Đặc biệt, 100% các trường tại tỉnh thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ