Vượt qua khó khăn
Năm học 2019-2020 nhiều cơ chế, chính sách mà ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhằm phát triển sự nghiệp GDĐT của địa phương đã được vận dụng một cách hiệu quả. Toàn ngành đã tháo gỡ dần một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT trên địa bàn khi có nhiều giải pháp hay, nhiều việc làm có ý nghĩa sáng tạo đã giúp ngành đảm bảo được mục tiêu kép “Vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh” để đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” trong thời gian giãn cách xã hội.
Bằng ý chí, quyết tâm cao, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1) với tỷ lệ 95,43 % HS Quảng Trị đỗ tốt nghiệp lần I.
Với sự vào cuộc rốt ráo của toàn ngành trong việc dạy học trực tuyến, là hình ảnh các thầy cô băng rừng, vượt núi hàng chục cây số để chuyển tài liệu đến tận nhà, hướng dẫn học sinh không có điều kiện học trực tuyến ôn bài và cập nhật kiến thức để không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Hình ảnh nhiều học sinh dân tộc Vân Kiều ở vùng miền núi Đakrông lên đồi dựng lán tìm sóng 4G để học trực tuyến thể hiện sự nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, để thay đổi cuộc sống… để theo đuổi đam mê và mong muốn được học tập.
Những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020, học sinh Quảng Trị đạt số lượng giải cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Học sinh Văn Ngọc Tuấn Kiệt, Trường THPT Thị xã Quảng Trị tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương Quảng Trị, của thế hệ các anh, các chị đi trước để được ghi tên mình vào tham gia vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Trong kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia, Quảng Trị có 2 dự án dự thi đều đạt giải cao.
Song song với việc phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của hoàn cảnh, dịch bệnh để duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Quảng Trị còn tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Việc rà soát cân đối đội ngũ; tập huấn, bồi dưỡng; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học; Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn… tất cả đã được triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kỳ vọng đột phá trong năm học mới
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ những kết quả đạt được cần phát huy và nhân rộng, những khó khăn, bất cập, những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, những hạn chế yếu kém cần khắc phục của ngành GD&ĐT để xác định đúng nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý từ đó đề xuất được định hướng phù hợp, những nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới”...
Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cần đăc biệt tập trung phân tích để khắc phục dần những hạn chế về chất lượng giáo dục giữa các địa phương trong tỉnh chưa đồng đều. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở một số địa bàn còn khá cao, nhất là sau thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày do dịch bệnh COVID-19… điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư hàng năm chưa đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học mới nhất là trong giai đoạn thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
“Nhiệm vụ phát triển GD&ĐT trong giai đoạn sắp tới đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội mới, đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng cũng đứng trước những thách thức, khó khăn đòi hỏi mỗi CBQL giáo dục, mỗi thầy cô giáo phải tiếp tục nỗ lực và trách nhiệm cao hơn, phải thực sự đổi mới và sáng tạo nhiều hơn trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục.
Từ những kết quả đã đạt được, từ những bài học kinh nghiệm được rút ra trong năm học qua, tôi đặt một sự kỳ vọng lớn và tin tưởng rằng ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững và có những đột phá mới trong năm học mới 2020 – 2021”...
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Bước vào năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa đối với lớp 1, ngành GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ như việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh về giáo dục và đào tạo.
Rà soát sắp xếp lại hợp lý mạng lưới trường lớp theo kế hoạch, hướng tăng quy mô và hiệu quả hoạt động. Có giải pháp khắc phục những bất cập của một số trường sau sáp nhập. Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đảm bảo hợp lý, khoa học. Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương để luân chuyển giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo.
Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; tập trung tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; có giải pháp đồng bộ và hiệu quả nâng cao chất lượng một số môn học có kết quả thấp. Chủ động phương án triển khai dạy học qua Internet, truyền hình trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên các trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khắc phục tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng và xóa phòng học tạm. Trước mắt chuẩn bị đầy đủ về phòng học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1.
Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; đổi mới công tác giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, văn minh, thực hành dân chủ trong trường học...