Ngân hàng Nhà nước gửi công văn hỏa tốc giải đáp nhiều ý kiến của các luật sư

GD&TĐ - Liên quan đến vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn hỏa tốc giải đáp nhiều ý kiến trong các phiên tòa của các luật sư gửi TAND TP. Hà Nội.

Ngân hàng Nhà nước gửi công văn hỏa tốc giải đáp nhiều ý kiến của các luật sư

Ngân hàng Nhà nước gửi công văn hỏa tốc

Công văn số 1861 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 23/3/2018 gửi tới Hội đồng xét xử nhằm giải đáp nhiều ý kiến đối đáp của các luật sư.

Cụ thể, về việc thoái vốn, những công văn PVN gửi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ ngày 12/6/2014, trong kết luận thanh tra số 340 ngày 29/9/2014 và số liệu thanh tra đến ngày 31/3/2014, nghĩa là chốt số liệu thanh tra này là 31/3/2014.

Kết quả tài chính sau thanh tra, lợi nhuận trước thuế trước thanh tra là ba mươi tư nghìn năm trăm bốn mươi bảy triệu đồng (34.547 triệu đồng), lợi nhuận trước thuế sau thanh tra là âm mười triệu một trăm tám mươi tám ngàn bảy trăm chín mươi tư triệu đồng (10.188.794 đồng), bằng hai trăm bốn mươi chín phảy sáu mươi ba phần trăm (249,63%), tức là âm vốn chủ sở hữu là 2,5 lần.

Như vậy, đến thời điểm 31/3/2014, hoạt động tài chính tại OceanBank không những đã mất vốn chủ sở hữu mà còn âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần nên OceanBank không thể có vốn cho PVN chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tác khác. Chính vì thế ngày 25/6/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu PVN tạm dừng việc thoái vốn tại OceanBank là hoàn toàn có căn cứ.

Về ý kiến của luật sư cho rằng, khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011, nhưng thời điểm đó NHNN chưa có văn bản hướng dẫn việc thoái vốn khi vi phạm tỷ lệ sở hữu tại Luật các tổ chức tín dụng.

Đến ngày 1/6/2015, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 06/2015 hướng dẫn về thời hạn, trình tự, thủ tục thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại cổ phần? Đây có phải là nguyên nhân cản trở việc PVN thoái vốn tại OceanBank?

NHNN đã trích dẫn Khoản 5, Điều 161 - Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 06/2015 ngày 1/6/2015 quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định. Như vậy, Thông tư 06/2015 không quy định trình tự, thủ tục thoái vốn như ý kiến của luật sư đã đề cập.

Về ý kiến của các luật sư liên quan đến đợt góp vốn 300 tỷ đồng của PVN vào OceanBank, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 6382 ngày 23/8/2010 chấp thuận việc OceanBank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và cho rằng, việc góp vốn 300 tỷ đồng trên đây của PVN vào OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngân hàng nhà nước khẳng định: Đối với Công văn 6382 chấp thuận việc OceanBank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, nội dung công văn này không chấp thuận việc PVN góp thêm vốn vào OceanBank.

Ông Thăng: PVN thoái vốn không thành là do Ngân hàng Nhà nước

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng khẳng định việc PVN mất vốn là thuộc trách nhiệm của người ký văn bản không cho thoái vốn, còn việc PVN thoái vốn không thành là do Ngân hàng Nhà nước, lúc chuẩn bị thoái vốn, dù đã được Chính phủ đồng ý thì Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị giữ lại rồi sau đó mua Oceanbank với giá 0 đồng, vì thế tiền góp vốn 800 tỷ của PVN mất trắng.

Theo ông Thăng, ông đã chỉ đạo PVN thoái vốn khỏi Oceanbank từ tháng 3/2011. Ông Thăng cho biết, PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản trình để báo cáo, OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị xin mua với giá tối thiểu là bằng giá nhưng lại không được thoái vốn.

Vì xuất phát từ ngân hàng nhà nước đề nghị giữ lại sau đó Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngừng lại. Nhưng sau đó chính Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua 0 đồng. Điều này không đúng pháp luật và hoàn toàn gây thiệt cho cổ đông trong đó có PVN là 20%.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều “khất” câu trả lời

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong phiên xét xử ngày 21/3, các luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính một số câu hỏi như: Vì sao Thủ tướng đã đồng ý cho thoái vốn sau đó PVN lại dừng?

Ngân hàng Nhà nước có ý kiến thế nào về kiến nghị xem xét việc mua 0 đồng với Oceanbank của TAND Hà Nội? Việc đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào ngân hàng được quy định như thế nào? Vai trò giám sát Oceanbank của ngân hàng nhà nước như thế nào? Ngân hàng Nhà nước có cảnh báo nào về việc PVN vượt quá sở hữu cổ phần không?...

Tuy nhiên, hai người đại diện chỉ trả lời ít câu, số còn lại xin được ‘khất’ hoặc từ chối trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ