Ngăn chặn từ gốc thuốc lá trong trường học

GD&TĐ - Thực hiện nghiêm luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học sẽ góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc.

Tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến các em học sinh. Ảnh BTN
Tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến các em học sinh. Ảnh BTN

Ngăn chặn từ gốc

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn.

Trong năm tháng đầu năm 2024, các Đội Quản lý thị trường Thái Nguyên đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 7 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, buộc tiêu hủy 232 máy làm nóng tinh dầu và 80 lọ tinh dầu có tổng trị giá hơn 70 triệu đồng và đã xử phạt với số tiền là hơn 30 triệu đồng.

3-3615.jpg
Đội QLTT số 3 kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh “V.93” thị trấn Hương Sơn- Phú Bình (Thái Nguyên) đang kinh doanh 20 thiết bị nung nóng tinh dầu (thuốc lá điện tử) và 20 lọ tinh dầu là hàng hoá nhập lậu

Theo ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chỉ đạo của chính quyền các cấp, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan; tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới".

Giám sát các đối tượng, địa bàn trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; không quảng cáo nhằm kinh doanh, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, không bao che tiếp tay cho những hành vi vi phạm”.

Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm của cơ quan chức năng, nhà trường cùng với các gia đình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thanh, thiếu niên, học sinh về những tác hại của thuốc lá điện tử.

Cô Ngô Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Hương Sơn huyện Phú Bình cho biết: “Trong những năm học gần đây, chúng tôi phát hiện có khoảng 10 em học sinh ở các khối lớp có biểu hiện sử dụng thuốc lá điện tử ở ngoài khuôn viên nhà trường.

Nhà trường đã giao giáo viên tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm theo dõi, phát hiện, yêu cầu học sinh sử dụng thuốc lá điện tử viết bản tường trình, ký cam kết không tái phạm; đồng thời mời phụ huynh học sinh đến làm việc và cùng với nhà trường có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hơn con em mình”.

z5908577179738-ec467391d2e9266983d460c8e44c87f7-5407.jpg
Tập luyện TDTT góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hoá, Thái Nguyên chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Hướng dẫn học sinh theo dõi, tham gia phát hiện và chia sẻ các trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử trong và ngoài nhà trường; yêu cầu các trường phối hợp với cơ quan y tế, công an địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, học sinh biết cách nhận biết và phòng ngừa tác hại của thuốc lá điện tử; đồng thời thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, không để tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng trong các nhà trường”.

Hút thuốc lá điện tử ảnh hướng rất lớn tới sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên. Vì vậy, để loại bỏ thuốc lá điện tử khỏi môi trường học đường rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Qua đó, xây dựng một thế hệ học sinh, sinh viên khỏe mạnh, trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vùng thường xuyên bị ngập lụt cần có nhà chống lũ cho gia súc. Ảnh: INT

Làm nhà cho gia súc

GD&TĐ - Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhiều khu dân cư ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt đã có nhà cộng đồng.