Ngăn chặn tội phạm tham nhũng: Không có vùng cấm

GD&TĐ - Trong năm 2023, nhiều vụ đại án về tham nhũng, kinh tế đã được cơ quan chức năng đưa ra xét xử với các bản án nghiêm khắc.

Các bị cáo trong vụ 'Chuyến bay giải cứu'.
Các bị cáo trong vụ 'Chuyến bay giải cứu'.

“Nóng” tội phạm tham nhũng

“Chuyến bay giải cứu” là một trong những vụ án tiêu biểu có liên quan tới nhiều cựu cán bộ, quan chức (cựu Thứ trưởng, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Cục trưởng, Phó Cục trưởng, đại sứ…). Tại phiên xét xử sơ thẩm, trong số 54 bị cáo thì 4 người bị tuyên án tù chung thân. Các bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù giam.

Bản án xác định 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ với tổng cộng gần 165 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Còn 23 bị cáo đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ trên 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị tuyên án tù chung thân. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định số tiền nhận hối lộ của các bị cáo trên đặc biệt lớn nên tuyên y án sơ thẩm.

Với cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng được giảm từ án chung thân (sơ thẩm) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xuống 20 năm tù. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được giảm từ 16 năm tù xuống 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng được giảm từ 12 năm tù xuống 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; nguyên Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân được giảm từ 6 năm tù xuống còn 5 năm tù…

Cũng trong năm 2023 (từ ngày 27/6 - 29/6), Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) hầu tòa cùng các thuộc cấp là Phạm Kim Hậu (cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Hoàng Văn Đồng (cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (cựu Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị)... Vụ án này, mức án cho các bị cáo từ 10 năm tù đến 16 năm tù giam.

Vụ nâng khống giá cây xanh, xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tháng 8/2023, Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo trái pháp luật đặt hàng cây, cho trồng cây trước, quyết toán sau, giá cây bị nâng khống.

Hành vi của các bị cáo gây ra tổng thiệt hại 34,7 tỷ đồng cho Nhà nước. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên mức án 18 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp với các bản án trước đó là 13 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại nhận từ 24 tháng tù treo đến 8 năm tù giam.

Tương tự, tháng 10/2023, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 22 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cựu Tổng Giám đốc VEC, Mai Anh Tuấn bị phạt 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”...

Bị cáo trong vụ Việt Á.

Bị cáo trong vụ Việt Á.

Xét xử hai cựu Bộ trưởng liên quan vụ Việt Á

Dự kiến ngày 3/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong số này, 6 người bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” là: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị can khác gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố. Trong vụ án này, Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Như Báo GD&TĐ đã đưa tin, trước đó (từ 27 - 29/12/2023), Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã đưa ra xét xử 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y và 3 người khác xảy ra tại Công ty Việt Á, phần do quân đội giải quyết. Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận giúp Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) quen biết với Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y). Sau đó, Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19.

Trong vụ án này, bị cáo Phan Quốc Việt bị Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô tuyên tổng hình phạt là 25 năm tù. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trịnh Thanh Hùng 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh trên, bị cáo Hồ Anh Sơn bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 12 năm tù. 4 bị cáo còn lại lĩnh án 4 - 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ