Ngăn chặn tai nạn thương tích: Cha mẹ cần tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ

GD&TĐ - Nghỉ hè, bố mẹ bận đi làm, nhiều gia đình thường cho con ở nhà một mình. Thời gian trẻ ở nhà cũng là lúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn từ các thiết bị trong gia đình. Do lứa tuổi các em chưa ý thức được sự nguy hiểm với bản thân nên những kỹ năng bảo vệ từ phía bố mẹ và người lớn là rất quan trọng.

Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra với trẻ bởi các trò chơi tự phát trong những ngày hè
Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra với trẻ bởi các trò chơi tự phát trong những ngày hè

Người lớn lơ là, trẻ mất an toàn

Khi học sinh nghỉ hè thì số trẻ bị tai nạn thương tích tại gia đình có xu hướng gia tăng. Những thiết bị gia đình trông thì có vẻ hiền lành nhưng những hậu quả do không biết cách sử dụng hoặc do trẻ nghịch ngợm là nhiều vô kể. Chẳng hạn như các lan can cầu thang và ban công nhà, ổ điện, các đường dây điện, các thiết bị công tắc, bếp gas, bình gas, các thiết bị đun nóng, máy giặt và tủ lạnh, quạt và những thứ quay tròn trong nhà, dao kéo, kim, búa...

Trẻ em đang ở lứa tuổi rất hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân của trẻ gần như chưa được hình thành nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Tùy theo từng độ tuổi có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Đôi khi, chính căn nhà trong mỗi gia đình lại là một môi trường không an toàn cho trẻ.

Ở các vùng nông thôn, việc trẻ em tham gia giúp việc gia đình hiện rất phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề là có nhiều trẻ phải làm những công việc vượt quá tuổi, quá sức. 6, 7 tuổi đã phải nấu cơm, đun nước; mới 12, 13 tuổi đã đi cày, đi gặt. Điều nguy hiểm là, điều kiện lao động ở nông thôn rất thiếu an toàn đối với trẻ. Trên thực tế, nhiều trẻ bị ngã, bị bỏng, bị súc vật cắn, bị các vật sắc nhọn cắt, đuối nước... do tham gia lao động giúp đỡ gia đình rất phổ biến.

Thực tế cho thấy, tai nạn thương tích ở trẻ em đã mang lại những hậu quả rất lớn. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, các em có thể bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động, làm chủ bản thân. Đây chính là những hệ lụy nặng nề và dai dẳng mà xã hội, gia đình cũng như bản thân các trẻ phải gánh chịu.

Tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ

Theo thống kê của UNICEF, trên thế giới mỗi năm có khoảng 830.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với khoảng 2.000 trẻ em tử vong/ngày. Ở Việt Nam, mỗi năm hơn 7.300 em tử vong do tai nạn, trung bình 20 trẻ tử vong/ngày và số trẻ em tai nạn năm sau cao hơn năm trước.

BS Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - cho rằng: “Để phòng tránh những tai nạn thương tích đang xảy ra cho các em trong dịp hè, mỗi bậc cha mẹ cần có ý thức tìm hiểu các kiến thức cơ bản về phòng tránh nguy hiểm cho trẻ thì sẽ bớt đi những tai nạn đau lòng. Đồng thời tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, người lớn cũng nên tập cho trẻ làm quen với việc ứng phó với tai nạn để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm”.

Theo TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, cha mẹ nên dạy con sử dụng thiết bị gia đình một cách an toàn ngay khi con được 4 tuổi. Ban đầu là kéo, dao, kim… Sau đó sẽ nâng dần tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và kĩ năng của con. Khi mới thực hành với các vật dụng đó, hãy chọn thứ an toàn nhất cho con. Ví dụ: Kéo đầu tù, nhỏ xíu bằng bàn tay của con, dao nhựa hoặc dao ăn, kim khâu len… Những vật dụng này có khả năng gây sát thương ít nhất. Hướng dẫn con thật cẩn thận để con có thể sử dụng tốt nhất mà không bị thương tích.

Đặc biệt, hạn chế tối đa việc để con ở một mình. Điều này cần chú ý khi con từ 0 - 4 tuổi. Không để con ngủ 1 mình, khóa cửa đi đâu đó. Con luôn phải được để mắt đến mọi lúc mọi nơi. Từ 4 tuổi trở lên, dạy con cách sống an toàn với mọi vật dụng xong thì phải kiểm tra lại cho đến khi yên tâm là con thực sự an toàn mới rời mắt ra khỏi con độ nửa tiếng mỗi ngày. Tăng dần thời gian lên theo khả năng thành thục các kĩ năng và ý thức của con.

Việc quản lý, định hướng và tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn là nhiệm vụ hết sức cần thiết nhất là trong dịp hè, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, điều quan trọng hơn cả là chính những sân chơi này đã có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ