Từ những thanh tre sần sùi, khô cứng nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo ra những chiếc lồng chim có giá trị nghệ thuật cao, đạt đến trình độ điêu luyện và giá trị kinh tế cũng không hề nhỏ.
Đến thăm làng nghề chuyên sản phẩm lồng chim xuất ngoại ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, chúng tôi được chứng kiến, nghe nhiều câu chuyện kể về tài nghệ của các nghệ nhân làm ra những chiếc lồng chim có giá trị nghệ thuật cao và có những sản phẩm giá thành lên đến cả ngàn USD.
Ông Đoàn Minh Căn – một nghệ nhân lão luyện cho biết, cơ sở chạm khắc của ông chuyên làm ra những mặt hàng cao cấp, thị trường tiêu thụ toàn quốc, chủ yếu là các tỉnh phía Nam như: Đà Lạt, TP.HCM, Vũng Tàu, Cà Mau… và xuất khẩu cả ra thị trường ngoài nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…
Ông Căn chia sẻ: “Cái sướng của nghề chạm khắc tre là ít “đụng hàng” nên không bao giờ hết việc. Nguyên liệu tre phải tuyển chọn mua từ Nam Đông (Thừa Thiên Huế), tỉnh Đắc Nông, từ bên nước bạn Lào về”. Những chiếc lồng chim có giá thấp nhất là 2 triệu đồng, đắt nhất dao động từ 1.000-2.000 USD/chiếc, tùy theo yêu cầu và đơn đặt hàng của khách.
Để hoàn thành một chiếc lồng chim có giá tiền vài chục triệu đồng, người làm nghề phải mất cả tháng trời (trung bình khoảng 30 công lao động/1 lồng).
Bên cạnh lợi ích kinh tế, những nghệ nhân ở làng Dương Nổ đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều du khách gần xa, cũng như tô điểm thêm bản sắc vốn có của cố đô Huế - một thành phố du lịch, thành phố Festival đặc trưng nét văn hóa cung đình của đất nước.
Phần đế của một chiếc lồng chim họa mi được chạm trổ hình “Thập bát la hán”.
Chị Trần Thị Hà đang giới thiệu một chiếc đế lồng chim khuyên, chạm sự tích “Hồng Lâu Mộng”.
Đáy một chiếc lồng chim khắc “Thập nhị hoa giáp quần tiên”, được chạm bởi 12 con giáp vây quanh các tiên ông.
Công đoạn chạm đế lồng chim chào mào, được mô tả theo sự tích truyện “Tam quốc chí”.
Ông Đoàn Minh Căn là một trong những “bậc thầy” chạm khắc tre ở làng Dương Nổ.
Một chiếc lồng đang làm, chưa hoàn thiện của ông Căn.
Bộ chao lồng chim này đã “ngốn” 5 công lao động.
Một chiếc lồng chim khuyên, được chạm trổ tuồng tích “Bát tiên quần thú” với giá bán 1.000 USD.