Nga - Thổ: Đạt thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Syria

GD&TĐ - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp nhau ở Sochi hôm 22/10 với một chương trình nghị sự chung về tìm cách chấm dứt 8 năm nội chiến ở Syria. Thỏa thuận đạt được giữa hai bên nhấn mạnh vai trò của Nga trong khu vực.

Cuộc gặp “thân tình” giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan diễn ra tại Sochi đã đặt viên gạch hòa bình cho Trung Đông
Cuộc gặp “thân tình” giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan diễn ra tại Sochi đã đặt viên gạch hòa bình cho Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công

Cuộc gặp cấp cao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) hôm 22/10 kéo dài tới 7 tiếng tập trung vào tình hình Syria, nhất là chiến dịch Mùa xuân Hòa bình mà TNK đang tiến hành ở Đông Bắc Syria để chống lại các nhóm vũ trang người Kurd.

Thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo Nga và TNK gồm các điểm sau: (1) Cảnh sát quân sự Nga và binh lính Syria sẽ được triển khai đến vùng biên giới miền Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ từ trưa 23/10 để đảm bảo an ninh. (2) Trong 150 giờ tiếp theo, họ sẽ đẩy lùi lực lượng YPG của người Kurd và vũ khí của lực lượng này xuống khu vực cách biên giới 30km tạo nên “khu vực an toàn” theo yêu cầu của TNK.

Từ 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 29/10, sau một tuần nữa, cảnh sát quân sự Nga và quân đội TNK sẽ bắt đầu tuần tra dọc đường biên giới đó. (3) Quân đội Syria sẽ được triển khai dọc theo biên giới ở khu vực từ thị trấn Kobani và Rasal-Ayn tới biên giới Iraq, với sự hậu thuẫn của cảnh sát quân sự Nga. (4) Các chiến binh IS bị các nhóm người Kurd bắt làm tù binh sẽ được kiềm chế.

Ông Putin nhấn mạnh, sự bất ổn do cuộc tấn công của TNK sẽ không thể là cớ để IS trốn thoát. (5) Khôi phục Thỏa thuận Adana, một hiệp định an ninh giữa Syria với TNK năm 1998. Mặc dù, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị tổn thương đáng kể trong cuộc chiến Syria, song thỏa thuận chưa bao giờ bị hủy bỏ, và giờ đây Nga cam kết sẽ hỗ trợ việc thực hiện hiệp định trong bối cảnh thực tế hiện nay.

Sau khi Thỏa thuận Sochi 22/10 đạt được. Ngày 23/10, TNK tuyên bố rằng, họ thấy không cần mở đợt tấn công mới vào giai đoạn này, và nói rằng việc thiết lập “hành lang an toàn” ở vùng biên giới là để bảo đảm cho hàng triệu người Syria tị nạn trở về.

Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của TNK bắt đầu từ giữa tháng 10 nhằm vào các lực lượng dân quân người Kurd mà TNK cho rằng có liên quan đến khủng bố cũng như phong trào ly khai người Kurd bên trong TNK.

Mỹ trước đó có 1.000 quân đóng gần biên giới cùng các chiến binh người Kurd, và sự có mặt của binh lính Mỹ ngăn TNK tấn công người Kurd ở đây, nhưng tuần trước Mỹ đã bất ngờ rút quân, mở đường cho chiến dịch tấn công mà Ankara đe dọa sẽ kéo dài hàng tháng.

Việc rút lui của Mỹ cũng dọn đường cho thỏa thuận giữa người Kurd với chính quyền Syria, cho phép các lực lượng Syria giành lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ ở Đông Bắc sau hơn 7 năm chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi những diễn biến nói trên là “tin tốt”. Trên Twitter ngày 22/10, ông viết: “Tin tốt có vẻ đã diễn ra liên quan đến TNK, Syria và Trung Đông. Chờ các tin tiếp theo”.

Thắng lợi của ông Putin

Kênh RT của Nga cho rằng, thỏa thuận giữa TNK và Nga ngày 22/10 sẽ bảo đảm tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cho phép chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát những thành phố và thị trấn ở miền Đông Bắc, thiết lập việc kiểm soát của TNK và Nga dọc biên giới.

RT cũng dẫn lời nhà phân tích chính trị độc lập Ali Demidras nói rằng, thỏa thuận này nhấn mạnh ảnh hưởng yếu đi của Mỹ trong khu vực và thể hiện những bước đi tích cực tiến tới việc khép lại cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nhiều năm. “Thỏa thuận Sochi đã củng cố hợp tác Nga - TNK ở Syria, đồng thời giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ ở nước này” - ông nói - “Một Syria thống nhất đã được bảo đảm”.

CNN phân tích rằng, với Thỏa thuận Sochi, lực lượng vũ trang người Kurd (SDF) phải nhượng bộ ở ngoài khu vực xung đột hiện nay, rút lui khỏi các thị trấn Manbij và Tal Rifaat. Thỏa thuận cũng ngụ ý rằng, người Kurd sẽ có một người bảo đảm an ninh mới.

Sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút quân khỏi Syria để SDF đối mặt với TNK, vai trò bảo đảm giờ đây đã rơi vào tay Nga và nước này sẽ phải triển khai nhiều binh lính và thiết bị ở Syria như một phần của nhiệm vụ mở rộng này.

Nhận xét ai là kẻ được mất sau thỏa thuận, CNN viết: Ông Putin và ông Erdogan đã nổi lên như những nhà trung gian quyền lực địa chính trị quan trọng trong khu vực. TNK và Nga trước đây có thể đã ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc chiến Syria: Nga cung cấp không lực ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn TNK ủng hộ các nhóm phiến quân muốn lật đổ chính quyền Assad.

Song với Thỏa thuận Sochi, ông Putin và ông Erdogan đã hậu thuẫn một giải pháp không cần phải vẽ lại đường biên giới quốc tế, và điều đó làm nản lòng các phong trào ly khai mà cả hai nước đều từng phải đối mặt.

Việc Nga và TNK nhất trí củng cố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria có thể được coi là một thành công về chính sách đối ngoại của ông Putin. Một thành công nữa là Nga đã bảo đảm được rằng TNK phải đàm phán trực tiếp với chính quyền Syria. Tổng thống Nga Putin cũng đã hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ông Assad đã bày tỏ sự ủng hộ, tuyên bố rằng lính biên phòng Syria sẵn sàng hợp tác với cảnh sát quân sự Nga.

CNN cho rằng, người thất bại về địa chính trị nặng nề nhất trong vụ này là Mỹ. Việc lực lượng Mỹ nhanh chóng rút quân là một món quà với ông Putin. Hình ảnh các căn cứ Mỹ vừa bị bỏ hoang và Mỹ rút đi cho thấy lực lượng Mỹ có mặt ở đây là vô ích và giờ họ phải rút đi trong ê chề.

Thỏa thuận Sochi lại bồi tiếp một cú vào sự coi thường này - CNN viết. Các quan chức Nga nói rằng ở Sochi họ không nhắc tới Mỹ và lệnh ngừng bắn của Mỹ. “Chúng tôi không xem xét cụ thể Mỹ và quan điểm của họ. Quan điểm đó rất thay đổi và trái ngược” - RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói - “Và tất nhiên liên minh do Mỹ đứng đầu ở Syria là bất hợp pháp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.