Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Thổ: Quyết định số phận người Kurd

GD&TĐ - Ngày 22/10, Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc gặp quan trọng tại Sochi (Nga). Trong bối cảnh tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong vòng 120 giờ đồng hồ của Thổ Nhĩ Kỳ hết hạn, hàng loạt câu hỏi được đưa ra: Liệu Ankara có tiếp tục hoạt động quân sự ở phía Đông Bắc Syria hay không? Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở lại Syria thì sẽ hoạt động với quy mô nào?... Tất cả những câu hỏi như vậy sẽ được giải quyết tại cuộc họp này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: TASS
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: TASS

Syria trước thềm cuộc gặp Putin - Erdogan

Các chủ đề của cuộc hội đàm giữa các Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được ông Erdogan xác định vài ngày trước khi đến Sochi. Cuộc gặp với Tổng thống Putin là một giai đoạn khác trong việc tạo ra một khu vực an ninh ở Syria - ông Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vào hôm thứ Bảy. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, các cuộc đàm phán ở Sochi “có ý nghĩa đặc biệt”.

Theo kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ, một vùng đệm nên được tạo ra trong lãnh thổ được “giải phóng khỏi những kẻ khủng bố”, nơi có thể di dời những người tị nạn Syria vẫn còn ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về. Đây là một vùng lãnh thổ dài 444 km, sâu 32 km, chạy dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thổ Nhĩ Kỳ, một thỏa thuận về vùng đệm này đã đạt được tại cuộc hội đàm ở Ankara vào ngày 17/10 giữa Tổng thống Erdogan và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence. Theo RIA Novosti, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yasin Aktay nhấn mạnh rằng, việc thiếu một thỏa thuận bằng văn bản với Washington liên quan đến khu vực an ninh không có nghĩa là bất đồng về vấn đề này. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập 12 trạm quan sát trong khu vực.

Trước chuyến thăm của ông Erdogan tới Nga, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố về tình hình ở phía Đông Bắc Syria, rằng người Kurd đã bắt đầu tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và đang rời khỏi khu vực biên giới. Nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ như vậy. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut

Cavusoglu, các nhóm khủng bố người Kurd đã vi phạm lệnh ngừng bắn 22 lần. Nếu các phiến quân người Kurd vượt ra khỏi biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự - ông Mevlut Cavusoglu tuyên bố vào ngày 21/10. Ông Cavusoglu khẳng định rằng, Ankara ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, kết quả của cuộc xung đột không chỉ phụ thuộc vào chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Trong khi người Mỹ vui mừng rằng họ có thể thuyết phục Erdogan nhượng bộ, thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vào thành phố Kobani của Syria. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngay lập tức cáo buộc Ankara vi phạm lệnh ngừng bắn, trong khi Cavusoglu trả lời: “Chúng tôi không đưa ra lời hứa về Kobani. Câu hỏi liệu chúng tôi sẽ vào thành phố hay ở nơi nào khác không được thảo luận”.

Và dấu ấn của Nga

Một ngày trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Erdogan tuyên bố, Ankara sẽ “thực hiện các bước” về Syria sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga. Trước khi bắt đầu đàm phán ở Sochi, ông Putin đã gọi tình hình ở biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ là “gay cấn”, “cần phải đối thoại”.

Chiều 22/10, Tổng thống Nga V. Putin và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt đầu đàm phán theo hình thức “một đối một”, cuộc họp diễn ra tại dinh thự Bocharov Ruchei ở Sochi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận với người đồng cấp Nga về vị thế của lực lượng thân chính phủ Syria trong khu vực hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, về giai đoạn tiếp theo sau khi tạo ra khu vực an ninh ở miền Bắc Syria.

Theo ông D.Peskov - người phát ngôn của Điện Kremlin, điều quan trọng nhất mà hai bên đạt được là cả Moskva và Ankara đều ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của Syria. “Và cả hai nước đều muốn tiếp tục dàn xếp chính trị ở Syria. Bây giờ, điều rất quan trọng là mọi thứ xảy ra ở phía Đông Bắc Syria không ảnh hưởng vào thỏa thuận chính trị này theo bất kỳ cách nào”, ông D.Peskov nhấn mạnh.

Đàm phán với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là câu chuyện không hề dễ dàng. Trong mối quan hệ ràng buộc với nhiều bên, đặc biệt là giữa Mỹ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu nhiều áp lực.

Tuy nhiên, nói như Tổng thống Putin rằng: “Mức độ quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được gần đây sẽ đóng vai trò giải quyết tất cả các vấn đề và sẽ cho phép tìm câu trả lời cho tất cả, ngay cả những câu hỏi rất khó trong lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và tất cả các nước trong khu vực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ