Nga cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden: Cái tát vào mặt người Mỹ

Nga cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden: Cái tát vào mặt người Mỹ

(GD&TĐ) - Trưa ngày 1/8 (giờ Moskva), Edward Snowden - kẻ tung hê những thông tin mật của tình báo Mỹ đã được Cục Di trú Liên bang Nga (FMS) cấp quy chế tị nạn tạm thời trong vòng 1 năm và lặng lẽ rời khỏi sân bay Sheremetyevo, nơi anh tá túc từ ngày 23/7. Washington “cực kỳ thất vọng” trước quyết định của Moskva và kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh giữa Barack Obama và V.Putin trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tháng 9 tới rất có thể sẽ bị hủy bỏ.

Điều phải đến, đã đến

Số phận của Edward Snowden - “kẻ chạy trốn vĩ đại” thực sự là đề tài nóng, làm không ít quốc gia liên quan lúng túng khi phải xử lý và tiêu tốn bao giấy mực của báo giới. Hơn 1 tháng qua, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Snowden sẽ đi đâu? Bằng cách nào? Số phận “kẻ chạy trốn” sẽ ra sao? Ai sẽ dang tay chở che cho “kẻ phản bội” nước Mỹ?...

Những câu hỏi ấy đã được trả lời vào ngày 1/8, khi luật sư Anatoly Kucherena trao cho Edward Snowden giấy chứng nhận cư trú tại Nga, giấy này có hiệu lực đến ngày 31/7/2014. Theo lời luật sư Anatoly Kucherena thì ông và Edward Snowden cùng rời khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo, sau đó “kẻ chạy trốn” lên xe taxi. Edward Snowden đi đâu? Anatoly Kucherena không được phép công bố vì “lý do an ninh”. “Tôi vừa chuyển cho anh ấy (Snowden) những tài liệu từ FMS. Những tài liệu này sẽ cho phép anh ấy rời khỏi khu vực quá cảnh… Tôi tiễn anh ấy đến taxi, còn anh ấy tự đi theo công việc của mình” - Anatoly Kucherena nói với hãng thông tấn Nga Interfax.

Theo thông báo của Wikileaks trên Twitter, Edward Snowden rời khỏi sân bay Sheremetyevo cùng với Sarah Harrison, người đã “tháp tùng” Snowden từ Hongkong đến Moskva.

Vậy là người Nga đã không đáp ứng được ý nguyện của Washington. Bình luận về việc Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Snowden, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Nga Fedor Lukyanov khẳng định: “Ngoài việc để Snowden ở lại đây, nước Nga không có sự lựa chọn nào khác”. Chia sẻ với Fedor Lukyanov Nghị sĩ Vyacheslav Novikov cũng khẳng định mọi quyết định của Moskva đều có thể làm tổn thất danh dự của nước Nga.

Thực ra, FMS đã có quyết định cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Edward Snowden từ ngày 24/7. Tuy nhiên, theo cựu Phó Chủ tịch FMS Vladimir Volokh thì FMS phải “có 5 ngày để thu thập những kiến nghị, đơn kiện, đăng ký dấu vân tay, rà soát xem Snowden có phạm tội hình sự hay không… để đi đến quyết định cuối cùng…”. 

Theo luật pháp Nga, việc tị nạn tạm thời có thể được gia hạn hàng năm với thời hạn 12 tháng. Như vậy, Edward Snowden có thể cư trú ở Nga vô thời hạn.

Edward Snowden đã có giấy chứng nhận cư trú tại Nga
Edward Snowden đã có giấy chứng nhận cư trú tại Nga
 

Người Mỹ “cực kỳ thất vọng”

Thứ năm (1/8), người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố rằng hành động của Nga đã hủy hoại những cố gắng của họ trong việc hợp tác với Mỹ bấy lâu nay. “Chúng tôi cực kỳ thất vọng trước việc Chính phủ Nga ra quyết định này, mặc dù chúng tôi đã thỉnh cầu rõ ràng và hợp pháp, công khai cũng như riêng tư, để dẫn độ ông Snowden về Mỹ đối mặt với các bản cáo trạng…”.

Báo Kommersant trích nguồn tin thân cận từ Chính phủ Mỹ dự đoán 3 khả năng có thể xảy ra với Edward Snowden.

Thứ nhất, FMS sẽ không đi đến bất cứ quyết định gì với Edward Snowden trước chuyến thăm nước Nga của Barack Obama. Làm như vậy, Nga sẽ tạo cơ hội cho việc thực hiện kế hoạch của Hội nghị Thượng đỉnh Nga -Mỹ đã được vạch ra.

Thứ hai, FMS chỉ cấp cho Edward Snowden giấy phép, cho phép anh ta đi lại từ sân bay đến nơi ăn nghỉ tạm thời chứ tuyệt nhiên không có chuyện cấp quy chế tị nạn trước tháng 9. Lựa chọn này sẽ cho phép Barack Obama bất chấp sức ép từ dư luận Mỹ vẫn lên đường tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ.

Thứ ba, Nga sẽ cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden và như vậy họ đã ngang nhiên chống lại Mỹ.

Mặc dù cả Nga và Mỹ đều khẳng định vụ Edward Snowden không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước, nhưng trước quyết định cấp tị nạn cho “kẻ chạy trốn” của Moskva, Washington nổi cơn thịnh nộ. Thượng nghị sĩ John McCain quả quyết: “Những hành động của LB Nga thể hiện sự thiếu tôn trọng và cố ý làm bẽ mặt Mỹ. Đây là cái tát vào mặt tất cả người Mỹ”. John McCain cũng kêu gọi chính quyền Barack Obama “phải xem xét lại tận gốc” mối quan hệ với Moskva. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Kelly Eyott gọi những gì diễn ra như sự cáo chung của “tái khởi động” quan hệ Nga-Mỹ.

Giờ đây, mọi áp lực dồn về phía Barack Obama, đẩy Tổng thống Mỹ vào tình huống khó xử. Không dưới một lần Obama tuyên bố sự cố Edward Snowden không ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Mỹ, giờ đây, khi chuyện đã rõ ràng, liệu Barack Obama có đến Nga dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến vào tháng 9 tới?

Theo đánh giá của Quốc hội Mỹ thì vụ Snowden là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Barack Obama những năm qua. Nếu Barack Obama vẫn cứ đến Nga, mối quan hệ giữa Tổng thống và Quốc hội Mỹ sẽ căng thẳng đến tột đỉnh. Báo USA Today cho rằng vào thời điểm hiện tại, quan hệ Nga - Mỹ đã “chạm đáy” kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Thật khó cho Barack Obama.

Duy Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.