Trường đại học trọng điểm, tại sao không?

GD&TĐ - Hiện nay, Việt Nam có 23 cơ sở GD ĐH được chọn xây dựng thành trường ĐH trọng điểm (*), gồm 2 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng và 16 trường ĐH, học viện. Điều đáng lưu ý là chưa có cơ sở đào tạo ngoài công lập trong khu vực trường trọng điểm. 

Trường đại học trọng điểm, tại sao không?

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) là trường ngoài công lập đầu tiên đặt mục tiêu phấn đấu thành trường ĐH trọng điểm ngoài công lập. PV Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.

Thưa PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, “thế nào là trường ĐH trọng điểm” hiện chưa có văn bản nào đề cập. Mô hình ĐH trọng điểm là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng: Khái niệm “trọng điểm” lần đầu tiên xuất hiện từ chủ trương “xây dựng một số trường trọng điểm quốc gia” tại Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (Khóa VII) ngày 14/1/1993.

Năm 2001, chủ trương này tiếp tục được thể chế hóa trong Quyết định 47/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt mạng lưới trường ĐH. Đến năm 2004, Bộ GD&ĐT chính thức đưa tên 14 trường vào danh sách trường trọng điểm quốc gia. Từ đó đến nay, danh sách đã thêm 9 trường. Tuy nhiên, tiêu chí, chỉ tiêu và cơ chế chính sách cho trường ĐH trọng điểm thì không có văn bản nào đề cập.

Dựa trên danh sách 23 trường thì có thể hiểu, ĐH trọng điểm được xác định dựa trên vùng lãnh thổ và những ngành đặc biệt quan trọng cho đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia, như: Sư phạm, Y Dược, Kinh tế, Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Công nghệ, Kỹ thuật Quân sự, Quân y, Hàng hải.

Có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của mô hình ĐH trọng điểm như sau:

- Được đầu tư lớn để nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nhân lực của cả nước, hoặc vùng, hoặc một số ngành, nghề quan trọng.

- Tùy theo khả năng, các trường ĐH phấn đấu trở thành trọng điểm tự đề ra các cam kết cao về những chỉ số chất lượng như: Đội ngũ GV, chương trình, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, quốc tế hóa…

- Các trường ĐH phấn đấu trở thành trọng điểm được hưởng một số quy chế về quản lý đặc biệt hơn.

Sau hơn 15 năm thực hiện, mô hình ĐH trọng điểm thực sự trở thành ngọn hải đăng định hướng cho các trường ĐH công lập nhằm đạt tới trình độ phát triển cao hơn. Việc năm 2015 Việt Nam lần đầu tiên có ĐHQG TPHCM là trường ĐH trọng điểm lọt vào tốp 200 của Xếp hạng Quốc tế QS châu Á là đóng góp vô cùng quan trọng của mô hình ĐH trọng điểm.

Như vậy tại sao cần mở rộng mô hình trọng điểm đối với các trường ngoài công lập, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết 04-NQ/HNTW năm 1993 đưa ra hai chủ trương lớn: Xây dựng trường trọng điểm và xã hội hóa GD. Sau hơn 20 năm thực hiện xã hội hóa GD, GD ĐH ngoài công lập đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Đến nay, cả nước có 69 trường ĐH, 21 trường CĐ ngoài công lập (chiếm 22,2% tổng số trường ĐH - CĐ). Các trường này đang đào tạo trên 320.000 SV (chiếm khoảng 15% tổng số SV cả nước). Việc phát triển GD ĐH - CĐ ngoài công lập đã tạo ra mô hình mới về quản trị ĐH, góp phần tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo và tạo động lực cho sự phát triển chung của GD ĐH - CĐ. Tuy nhiên, dư luận xã hội nói chung vẫn còn đánh giá thấp vai trò của GD ĐH ngoài công lập. Các trường này vẫn chưa được thực sự tham gia vào sân chơi chất lượng chung.

Lý do chính vì Nhà nước chỉ đầu tư cho trường công lập, trong khi mục tiêu của mô hình ĐH trọng điểm chính là kì vọng của xã hội đối với chất lượng vượt trội của trường ĐH. Như vậy, nếu bản chất của mô hình ĐH trọng điểm là chuẩn chất lượng đẳng cấp quốc tế thì “sân chơi” này cần được mở rộng ra đối với các trường ĐH ngoài công lập.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phấn đấu theo mô hình ĐH trọng điểm vì mô hình này chứa nhiều yếu tố phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của trường. Lý do cơ bản của sự phấn đấu này là sự thừa nhận từ Chính phủ và Bộ GD&ĐT về các mục tiêu chất lượng mà nhà trường cam kết đạt được giai đoạn 2016 - 2020 và đến 2025. Các mục tiêu này được đề ra dựa trên các chuẩn chất lượng quốc gia của cơ sở GD ĐH và Xếp hạng Quốc tế QS châu Á.

Sự thừa nhận từ Chính phủ và Bộ GD&ĐT là sự thẩm định chính thức, tạo nên nhiều điều kiện mới nhằm tăng cường khả năng xã hội hóa nguồn lực ở mức độ cao hơn, lâu dài hơn trong quá trình vươn lên một trường trọng điểm thực sự và sau đó là trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Khi được công nhận là trường ĐH trọng điểm, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với tư cách là trường tư thục sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự đi lên của bộ phận giáo dục ĐH ngoài công lập, góp sức đưa giáo dục ĐH Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Khi mở rộng khái niệm trọng điểm cho cơ sở GD ngoài công lập, liệu trường có đủ nguồn lực để thực hiện đúng vai trò?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng: Từ năm 2011, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu nghiên cứu các mô hình trong và ngoài nước để định hướng phát triển. Lựa chọn phù hợp cuối cùng là mô hình ĐH trọng điểm. Một khi được Chính phủ phê duyệt, nhà trường sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện tốt vai trò của mình.

Hiện nhà trường đã đưa ra giải pháp xây dựng trường ĐH trọng điểm Nguyễn Tất Thành trên các mặt: Tổ chức bộ máy quản lý, nhân sự, tổ chức đào tạo, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo và kiểm định chất lượng đào tạo và tài chính.

Trong đó, đội ngũ nhân sự là trung tâm của chiến lược phát triển, là tiền đề quan trọng để giữ vững quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, công tác tại trường có hơn 1.000 GV cơ hữu, trong đó có 1 Anh hùng lao động, 1 Nhà giáo nhân dân, 5 GS, 10 PGS, 65 TSKH và TS, gần 500 Thạc sĩ, với tỉ lệ Tiến sĩ là 13% và Thạc sĩ là 44.5%, chưa kể đội ngũ 1.000 GV thỉnh giảng và thực hành tại doanh nghiệp. Lộ trình phát triển đội ngũ GV của nhà trường được xây dựng theo hướng tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ chiếm trên 40% số lượng GV cơ hữu vào năm 2020.

Nhà trường đang thay đổi quy mô và cơ cấu đào tạo thông qua tăng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH các ngành kỹ thuật công nghệ, mở ngành đào tạo thạc sĩ vào năm 2016 và tiến sĩ vào năm 2017. Trường cũng hoàn thiện và phát triển chương trình đào tạo, đặc biệt, các ngành Kỹ thuật công nghệ theo tiếp cận POHE (Professional Oriented Higher Education) và CDIO (Concieve, Develop, Implement, Operate), chú trọng áp dụng chuẩn quốc tế năng lực tiếng Anh (B1), tin học MOS (Microsoft Office Specialist), trang bị kỹ năng tư duy sáng tạo, năng lực làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, đàm phán cho SV.

Nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đối với các ngành mũi nhọn như: Dược, Công nghệ Sinh học, Tự động hóa, Công nghệ Thông tin, Môi trường…; chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung, tự đánh giá và tham gia đánh giá ngoài cấp chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và chuẩn ABET, nâng cao chất lượng chuyên môn về công tác đảm bảo chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng tại các cơ sở. Đến năm 2020, trường sẽ đạt chuẩn khu vực và đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn quốc tế.

Đề án thí điểm xây dựng Trường ĐH Nguyễn Tất thành trở thành trường ĐH trọng điểm được thực hiện trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa GD. Việc xây dựng trường ĐH ngoài công lập trọng điểm sẽ giúp khối trường ngoài công lập có một mô hình chuẩn mực để phát triển, giúp tháo bỏ rào cản phân biệt công tư, góp phần giảm thiểu gánh nặng ngân sách, đưa chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam tiến lên ngang tầm khu vực.

Xin cảm ơn ông!

(*) 23 cơ sở GD ĐH trọng điểm quốc gia: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TPHCM, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Quân y, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện An ninh Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ