New Zealand: Quyết thay đổi luật quản lý súng đạn

GD&TĐ - New Zealand sẽ cấm súng trường bán tự động và súng trường kiểu quân đội theo luật kiểm soát mới, sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất từ trước đến nay, khiến 50 người thiệt mạng vào tuần trước. Thông tin này được đích thân Thủ tướng Jacinda Ardern xác nhận hôm 21/3.

Cảnh sát vũ trang được tăng cường bảo vệ tại các khu vực cộng đồng của người Hồi giáo sau vụ xả súng
Cảnh sát vũ trang được tăng cường bảo vệ tại các khu vực cộng đồng của người Hồi giáo sau vụ xả súng

Chuyển đổi nhận thức

Thủ trướng Jacinda Ardern cho biết bà hy vọng luật mới sẽ được áp dụng vào ngày 11/4, cùng với đó chính phủ sẽ thiết lập kế hoạch thu mua lại những vũ khí bị cấm. “Vào lúc này, 6 ngày sau vụ tấn công, chúng tôi đang yêu cầu cấm tất cả các loại súng bán tự động kiểu quân đội (MSSA) và súng trường tấn công ở New Zealand”, bà Ardern cho biết, đồng thời nêu rõ, các bộ phận được sử dụng để chuyển đổi những khẩu súng thông thường thành MSSA cũng bị cấm, cùng với những tạp chí có dung lượng cao về quảng bá súng đạn.

Nước láng giềng của New Zealand là Australia đã cấm vũ khí bán tự động và mua lại những loại súng bị cấm, sau vụ thảm sát Port Arthur năm 1996, trong đó 35 người bị sát hại. Súng AR-15 cũng xuất hiện trong một số vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, dù nước này cấm cá nhân sở hữu các loại súng tấn công kiểu quân đội.

“Vào ngày 15/3, lịch sử của chúng tôi đã thay đổi mãi mãi. Bây giờ, luật pháp của chúng tôi cũng sẽ như vậy. Hôm nay, chúng tôi thay mặt cho tất cả người dân New Zealand, tuyên bố hành động để tăng cường luật quản lý súng và làm cho đất nước trở thành một nơi an toàn hơn”, bà Ardern nói.

Theo nữ Thủ tướng New Zealand, tất cả vũ khí bán tự động được sử dụng trong cuộc tấn công khủng bố vào ngày 15/3 sẽ bị cấm. Tuy vậy, bà Ardern cũng cho biết, tương tự như Australia, luật súng mới của New Zealand cho phép miễn trừ thực thi nghiêm ngặt đối với nông dân, để tiến hành kiểm soát dịch hại và ngăn ngừa động vật hoang dã gây hại.

“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, đại đa số chủ sở hữu súng hợp pháp ở New Zealand thấu hiểu những động thái này là vì lợi ích quốc gia, từ đó sẽ có những thay đổi trong nhận thức về vấn đề súng đạn”, bà Ardern nói tiếp.

Tay súng Brenton Tarrant đã phát trực tiếp cuộc tấn công của mình trên Facebook và nó nhanh chóng được chia sẻ cho các nền tảng khác, khiến nữ Thủ tướng Ardern và cộng đồng lên tiếng chỉ trích các công ty công nghệ, đồng thời kêu gọi nỗ lực lớn hơn để ngăn chặn bạo lực cũng như quan điểm cực đoan được phát sóng trên phương tiện truyền thông xã hội. 

Hiệp hội Nông dân Liên bang, tổ chức đại diện cho hàng nghìn nông dân New Zealand, cho biết họ ủng hộ thay đổi trong luật kiểm soát súng đạn mới của chính phủ. Ông Miles Anderson, đại diện Hiệp hội, cho biết trong một tuyên bố ngày 21/3: “Điều này (Luật Kiểm soát súng đạn mới) sẽ không phổ biến đối với một số thành viên của chúng tôi, nhưng sau một tuần tranh luận gay gắt và xem xét cẩn thận bởi các đại diện và thành viên được bầu của Hiệp hội, chúng tôi tin rằng đây là giải pháp khả thi duy nhất”.

Nổi tiếng là một quốc gia thanh bình, New Zealand cũng là quốc gia có luật quản lý súng đạn thoáng nhất thế giới. Với dân số chưa tới 5 triệu người, ước tính có khoảng 1,2 - 1,5 triệu khẩu súng, khoảng 13.500 trong số đó là các loại vũ khí MSSA. Độ tuổi hợp pháp tối thiểu để sở hữu súng ở New Zealand là 16 tuổi trở lên; với việc sở hữu súng bán tự động kiểu quân đội, yêu cầu chỉ cần từ 18 tuổi.

Xoa dịu nỗi đau

Sau gần một tuần xảy ra thảm kịch, nhà thờ Hồi giáo Al Noor, nơi có phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ xả súng, đang được sửa chữa, quét sơn và làm sạch, trước khi diễn ra buổi cầu nguyện vào ngày 22/3. Các gia đình có người thân thiệt mạng sẽ cùng ngồi lại, cùng với cộng đồng, để tiễn đưa người đã khuất.

Thủ tướng Ardern thông báo buổi cầu nguyện sẽ phát sóng trên toàn quốc, trong đó dành thời gian hai phút im lặng để tưởng niệm các nạn nhân.

“Cảnh sát vũ trang đã bảo vệ các nhà thờ Hồi giáo trên cả nước kể từ sau vụ tấn công. Lực lượng của chúng tôi sẽ tăng cường cao độ để bảo vệ sự an toàn cho những người tham dự buổi cầu nguyện vào thứ Sáu” - người phát ngôn của cảnh sát New Zealand cho biết trong một tuyên bố hôm 21/3 - “Cảnh sát đã làm việc không ngừng nghỉ, với những nỗ lực cao nhất trong khả năng, để thu thập bằng chứng thích hợp từ hiện trường, để chúng tôi có thể cho phép mọi người quay trở lại nhà thờ trong thời gian nhanh nhất”.

Cả hai nhà thờ Hồi giáo bị tấn công, Al Noor và Linwood gần đó, đều ấn định kế hoạch mở cửa trở lại từ ngày 22/3, sau lễ cầu nguyện. Hàng nghìn tín đồ Hồi giáo đã xác nhận tham gia lễ cầu nguyện tại nhà thờ Al Noor, sau khi những người thiệt mạng cuối cùng được chôn cất xong. Hầu hết nạn nhân là người di cư hoặc người tị nạn từ các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia, Afghanistan và Bangladesh.

Thủ phạm vụ xả súng, Brenton Tarrant, 28 tuổi, là công dân Australia, sinh sống ở ở Dunedin, trên đảo Nam của New Zealand, bị buộc tội giết người hàng loạt, sau khi ra tòa sáng 16/3. Là một kẻ theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, y từ bỏ quyền có luật sư, khẳng định tự bào chữa cho mình, dù đối mặt với hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng. Thời gian mở lại phiên tòa buộc tội dự kiến sẽ diễn ra ngày 5/4.

Các nạn nhân đầu tiên của vụ xả súng đã được chôn cất vào ngày 20 và 21/3. Trong ngày 22/3, trước lễ cầu nguyện tại nhà thờ, sẽ diễn ra lễ chôn cất tập thể cho những nạn nhân cuối cùng. Gia đình các nạn nhân bày tỏ thất vọng trước sự chậm trễ này, vì thi thể các tín đồ Hồi giáo thường được chôn cất trong vòng 24 giờ sau khi qua đời. Nhà chức trách lý giải sự chậm trễ là do quá trình xác minh danh tính nạn nhân gặp khó khăn. Đến nay, cảnh sát mới xác định và trao trả cho các gia đình khoảng 30/50 thi thể. 29 người bị thương trong 2 cuộc tấn công vẫn điều trị tại bệnh viện, trong đó có 8 người đang được chăm sóc đặc biệt.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ