(GD&TĐ) – Năm nay thế giới kỷ niệm 40 năm sự kiện dẫn tới việc thành lập Ngày môi trường thế giới (World Environment Day – WED) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm đánh dấu sự bắt đầu của Hội thảo của Liên hợp quốc về môi trường con người ở Stockholm từ ngày 5 tới ngày 16 tháng 6 năm 1972. Ngày môi trường Thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 5.6 năm 1973.
Hội thảo Stockholm trên đây là dịp đầu tiên mà các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế của môi trường toàn cầu, để đưa ra hành động.
Mỗi năm, Ngày Môi trường thế giới lại do một quốc gia đứng ra tổ chức và năm nay, Brazil là nước chủ nhà của sự kiện này với chủ đề “Nền kinh tế xanh: Có vai trò của bạn”.
Chủ đề của Ngày môi trường thế giới 2012 là “Nền kinh tế xanh: Có vai trò của bạn” |
Theo Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, một nền kinh tế xanh là nền kinh tế có sự cải thiện về cuộc sống con người, sự bình đẳng xã hội đồng thời giảm được nguy cơ cho môi trường và thiếu hụt sinh thái.
Ngày môi trường thế giới năm nay tổ chức ở Brazil được coi là có sự góp mặt đông nhất, quan trọng nhất trong lịch sử Liên hợp quốc vì nó còn đánh dấu kỷ niệm 20 năm Hội nghị Trái đất diễn ra ở Rio năm 1992.
Hội nghị Trái đất Rio+20 năm nay được coi là cơ hội mà mỗi thế hệ chỉ có một lần để đưa thế giới đi trên con đường hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, carbon thấp. Dự kiến sẽ có ít nhất lãnh đạo của 130 nước tham gia sự kiện này.
Thật không may là vấn đề lớn đang đối mặt với thế giới là mặc dù có những nỗ lực trong những năm gần đây nhằm cải thiện môi trường nhưng theo một số chuyên gia thì tình hình thực sự đang trở nên tồi hơn chứ không tốt hơn.
Một bản báo cáo của Quỹ Động vật hoang dã thế giới đã chỉ ra việc dân số tăng nhanh, những đợt di dân lớn tới các thành phố, việc sử dụng năng lượng tăng lên và khí thải carbon dioxit tăng vọt đang vắt kiệt các nguồn tài nguyên của hành tinh hơn bao giờ hết. Những động thực vật đang phải gánh chịu hậu quả này là những loài phụ thuộc vào nguồn nước sạch và các nguồn tài nguyên khác.
Trong vòng 20 năm qua, dân số ở các thành phố trên thế giới đã tăng khoảng 45%, cư dân thành phố thải ra carbon lớn hơn cư dân nông thôn. Dân số tăng nhanh khiến nhu cầu thực phẩm cao lên và điều này cũng tăng nhu cầu về nông nghiệp, gây áp lực cho hệ sinh thái nước sạch, khu đánh bắt cá…
Tuy nhiên là mặc dù dân số thế giới đã cao tới mức 7 tỉ người năm 2011 nhưng tốc độ tăng dân số đang có dấu hiệu giảm xuống.
Thông điệp của ngày Môi trường thế giới là mỗi người có nhiệm vụ thúc đẩy một nền kinh tế xanh và hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới tại Rio+20 sẽ triển khai điều này. Thay đổi mọi thứ sẽ rất khó, nó cần sự đoàn kết, sức mạnh của mục tiêu nhưng đơn giản, nó cần phải được thực hiện.
Phương Hà (Theo EarthTimes)