Bằng một đằng, lương một nẻo
Từ một giáo viên đứng lớp, cô N.T.S được điều chuyển sang làm công tác thư viện tại một trường THCS công lập thuộc thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Để đáp ứng yêu cầu công việc, cô đã tham gia thi tuyển và theo học lớp đại học tại chức ngành Thư viện - Thông tin do Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tổ chức. Cô đã có bằng đại học chuyên ngành này. Tuy vậy, cô vẫn chỉ được hưởng lương theo bằng trung cấp. Không còn phụ cấp đứng lớp, cũng chẳng được phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Được vào biên chế từ năm 2009, Thạc sĩ Trần Thị Kim Toàn – cán bộ thư viện Trường THCS Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Mặc dù đã có bằng thạc sĩ từ 6 năm nay nhưng cô vẫn hưởng lương theo bằng trung cấp. Hiện nay, hệ số lương của cô là 2,66. Ngoài tiền lương, cô còn được hưởng hệ số phụ cấp độc hại 0,2. “Tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, đó là được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện làm việc nên thu nhập cũng được trên dưới 7 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, để có được thu nhập đó, tôi phải làm kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác. Ở trường, tôi được đồng nghiệp tôn trọng và vẫn gọi là giáo viên thư viện”, cô Toàn chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Kim Toàn, nhiều đồng nghiệp của cô ở một số trường còn không được hưởng phụ cấp độc hại đối với nhân viên thư viện. Thu nhập hàng tháng chỉ là tiền lương theo hệ số, ngạch, bậc của Nhà nước. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được cải thiện chế độ tiền lương, được hưởng lương theo bằng cấp và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài ra, chúng tôi mong mỏi, Nhà nước công nhận chúng tôi là giáo viên thư viện để được hưởng các chế độ, chính sách giống như nhà giáo”, cô Toàn kiến nghị.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Nguyệt – giảng viên Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội): Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh, đặc biệt là phát triển văn hóa đọc. Vì thế, cán bộ thư viện cũng cần được quan tâm, tạo điều kiện xứng đáng. Tuy nhiên thực tế, ở nhiều trường học, cán bộ thư viện thường không được dành toàn bộ thời gian để làm chuyên môn, mà phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác như: Thủ quỹ, văn thư, tạp vụ… Có những trường hợp, giáo viên bị kỷ luật thì điều chuyển xuống làm thư viện. Điều đó cho thấy, công tác thư viện chưa được coi trọng.
Phân tích thực trạng trên, PGS Trần Thị Minh Nguyệt cho rằng, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thư viện trường học, dẫn đến việc thiếu quan tâm đến đội ngũ làm thư viện trường học. Cũng từ nhận thức chưa đầy đủ nên chúng ta vẫn coi công tác thư viện là việc phụ. Hiện nay, lương và các chế độ chính sách đối với nhân viên thư viện rất thấp. Nhiều cán bộ thư viện trường học có bằng đại học, thạc sĩ nhưng cũng chỉ được hưởng lương trung cấp.
PGS Trần Thị Minh Nguyệt viện dẫn thêm: Theo Quyết định số: 01/2003/QĐ–BGD&ĐT ngày 2/1/2003 của Bộ GD&ĐT, cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hóa – Thông tin quy định. Cụ thể, các chế độ phụ cấp ngành Văn hóa - Thông tin quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có nêu: Người làm trong thư viện được hưởng phụ cấp độc hại, hệ số 0,2 so với lương tối thiểu. “Quy định là vậy nhưng đến nay, có nơi áp dụng thực hiện, có nơi không, nên thiếu tính nhất quán”, PGS Trần Thị Minh Nguyệt nêu vấn đề.
Phải là giáo viên thư viện
Trước thực trạng trên, PGS Trần Thị Minh Nguyệt đề xuất, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thư viện trường học. Các cấp lãnh đạo cần coi cán bộ thư viện như người quản lý tri thức, để từ đó có chính sách đãi ngộ phù hợp, giúp họ có thêm động lực gắn bó với nghề. “Điều tôi mong muốn lớn nhất hiện nay là, Nhà nước nên coi cán bộ thư viện trường học như những giáo viên. Giống như TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản, trong đó có nêu: Cán bộ thư viện là giáo viên thư viện” - PGS Trần Thị Minh Nguyệt nói.
Viện dẫn cho đề xuất của mình, PGS Trần Thị Minh Nguyệt trao đổi: Nhiều nước trên thế giới họ rất coi trọng công tác thư viện. Ngay như Hàn Quốc, đây là nghề “hot” nên những người làm công tác thư viện, trong đó có cán bộ thư viện trường học có mức thu nhập tương đương 30.000 - 40.000 USD/năm. Ngoài ra, họ coi cán bộ thư viện là giáo viên thủ thư và khẳng định thư viện trường học có vai trò quan trọng đối với nền giáo dục của đất nước.
Ở góc nhìn khác, TS Đoàn Thị Thu – giảng viên Khoa Thư viện - Thông tin, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đề xuất: Cần nhìn nhận đúng vai trò của thư viện trường học trong quá trình dạy và học; từ đó tạo cơ hội để cán bộ thư viện trường học thể hiện vai trò của mình. Đối với các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thư viện, cần phát triển hơn nữa các hoạt động như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn hay các hoạt động tìm hiểu, hỗ trợ giải quyết các khó khăn hiện nay như: Mua chung phần mềm quản lý thư viện, xử lý, tài liệu, chia sẻ nguồn tài nguyên điện tử.
Về phía cán bộ thư viện, TS Đoàn Thị Thu cho rằng, cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận cũng như thể hiện vai trò của thư viện trường học trong hoạt động dạy - học của giáo viên và học sinh. Từng bước làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về vai trò của cán bộ thư viện trường học nói riêng và thư viện trường học nói chung.
“Vì là văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, nên một số cơ sở còn “đánh đố” cán bộ thư viện của mình rằng: Lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà hưởng chế độ độc hại”. - PGS.TS Trần Thị Minh Nguyệt