Các nhà khoa học của NASA cho biết đã phát hiện một luồng hơi nước bốc lên từ bề mặt mặt trăng Europa của sao Mộc trong cuộc họp báo rạng sáng ngày 27/9 (giờ Việt Nam), Wired đưa tin.
Mặt trăng Europa của sao Mộc có đường kính khoảng 3.057 km, nhỏ hơn Mặt trăng của Trái Đất. Vật thể 4,5 tỷ năm tuổi này có bề mặt đóng băng. Các nhà khoa học từ lâu suy đoán có thể có đại dương ở đây.
Việc tìm thấy luồng hơi nước là một phát hiện quan trọng, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể khám phá ra đại dương trên Europa và tìm kiếm các hóa chất hữu cơ, thậm chí là dấu hiệu của sự sống bắt nguồn từ đó mà không cần đào sâu vào lớp băng.
"Trên Trái Đất, sự sống được tìm thấy ở bất cứ nơi nào có nước hoặc chất dinh dưỡng. Chúng tôi quan tâm đến những hành tinh có các yếu tố đó và Europa có thể là một nơi như thế. Kết quả ngày hôm nay khiến chúng tôi chắc chắn hơn về khả năng có nước trên bề mặt Europa", Paul Hertz, giám đốc Đơn vị Vật lý học thiên thể tại trụ sở chính của NASA ở Washington, cho biết.
nasa-phat-hien-luong-hoi-nuoc-tren-mat-trang-cua-sao-moc-1
Có thể có dấu hiệu sự sống dưới bề mặt đóng băng của Mặt trăng Europa. Ảnh: NASA.
Các nhà khoa học của NASA sử dụng kính viễn vọng Hubble để quan sát Europa. William Sparks, nhà thiên văn học ở Viện nghiên cứu Kính thiên văn Không gian, Baltimore, Mỹ, sử dụng "hình ảnh đi qua" để nhận dạng luồng hơi nước. Đó là loại hình ảnh giúp tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt trời bằng cách sử dụng ánh sáng từ một ngôi sao chính để làm nổi bật bóng của hành tinh. Với Europa, bề mặt sao Mộc tạo ra một quầng ánh sáng cực tím, nhờ vậy các nhà khoa học có thể nhìn thấy bóng của luồng hơi nước.
Luồng hơi nước được phát hiện ở đầu phía nam Europa, gần xích đạo của nó. Nhóm nghiên cứu xem lại những bức ảnh chụp khí hydro bốc ra từ Europa vào năm 2012 và phát hiện nó ở cùng vị trí với cái mà họ nghi là luồng hơi nước.
"Hơi nước có thể không phát ra liên tục bởi chúng tôi luôn quan sát Europa từ cùng một góc độ nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy nó. Nếu luồng hơi nước thật sự tồn tại thì đây là điều rất thú vị. Nó có nghĩa là chúng ta có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với dấu hiệu sự sống nằm dưới bề mặt đóng băng của Europa", Sparks giải thích.
Giả thuyết của nhóm nghiên cứu là luồng hơi nước phun ra từ các lỗ thông hơi trên bề mặt Europa. "Nước có thể xuất hiện trên bề mặt theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể không đến trực tiếp từ đại dương nhưng đa số các vật chất đến từ đây", Britney Schmidt, trợ lý giáo sư tại trường Khoa học Khí quyển và Trái đất, Học viện Công nghệ Georgia, Atlanta, Mỹ, nhận định.