Sau một thời gian chung sống với mẹ chồng, Ngọc nhận ra bà cũng từng khổ sở như biết bao phụ nữ khác nhưng bà luôn cố gắng tiết chế cảm xúc của mình để có thể dung hòa với tính cách của từng thành viên trong gia đình.
Hai mẹ con có thể bất đồng quan điểm về nhiều việc, chẳng hạn như thay tã sao cho đúng cách, nhưng nếu đủ kiên nhẫn và tinh tế quan sát, Ngọc thấy mình cũng có nhiều điểm chung với mẹ chồng.
Mà kể cả những lúc tranh luận, Ngọc vẫn cảm nhận được sợi dây kết nối vô hình khiến họ không thể tách rời. Ngọc biết, mẹ chồng yêu thương con trai cũng nhiều như những gì cô muốn dành cho anh. Điều khiến mẹ chồng Ngọc trở nên đặc biệt chính là những gì bà đã cống hiến cho gia đình từ khi kết hôn.
Tính cách của chồng Ngọc tiết lộ rằng anh đã được nuôi dạy rất tốt. Ảnh hưởng từ mẹ nên anh luôn tôn trọng phụ nữ và cũng trở thành một người cha tận tụy. Có lần, quan sát cách anh chơi với con, Ngọc thấy anh cẩn trọng, khéo léo và chu đáo đến mức làm cô thấy xấu hổ về bản thân mình, trong vai trò một người mẹ.
Ngọc giả vờ giận dỗi: “Hình như em đã bị cho ra rìa. Con bé quấn anh quá. Hễ thấy anh về là nó vui ra mặt. Con yêu anh hơn yêu em rồi. Anh có sức hút đặc biệt gì thế?”. Thế là anh say sưa kể chuyện hồi bé, mẹ anh đã dẫn chứng rất nhiều câu chuyện thực tế để anh hình dung một phụ nữ mạnh mẽ, tự tin trông sẽ như thế nào. Từ đó, bà khuyên nhủ anh rằng đàn ông phải luôn tôn trọng, bảo vệ phụ nữ, phải thấu hiểu phụ nữ một cách sâu sắc.
Mỗi khi Ngọc và anh to tiếng vì một vài chuyện lặt vặt, bà không ngần ngại gọi con trai vào phòng riêng để nói chuyện. Thay vì bảo vệ con trai bằng mọi giá, bà luôn ủng hộ và bênh vực con dâu. Nhưng bà cũng rất khéo léo để con trai không tự ái vì đã có một cuộc trò chuyện trước đó.
Một cách cư xử khác của mẹ chồng khiến Ngọc khâm phục, đó là việc bà không bao giờ can thiệp vào cuộc sống riêng của hai vợ chồng. Bà hiểu rằng con trai mình đã có một người bạn đời và cuộc hôn nhân này cũng quan trọng như mối quan hệ giữa bà và con trai mình. Vì thái độ tôn trọng ấy nên bà không bao giờ tọc mạch những lý do khiến vợ chồng Ngọc tranh cãi. Thay vào đó, bà chỉ đưa ra lời khuyên hoặc những giải pháp để các con lựa chọn.
Mọi người trong gia đình phân biệt thứ bậc rõ ràng nhưng không bao giờ quên yếu tố bình đẳng trong các mối quan hệ. Khi Ngọc sinh con, mẹ chồng tạo điều kiện để cô được tận hưởng một không gian rộng và thoáng hơn.
Bà lặng lẽ và chu đáo lo liệu những công việc thiết yếu trong nhà. Nhờ đó, Ngọc luôn cảm thấy dễ chịu trong giai đoạn mới làm mẹ. Bà cũng rất tâm lý khi gọi đồ ăn sẵn về cho Ngọc ít nhất 2 lần/ tuần. Ngọc đã rất ngạc nhiên và xúc động khi thấy người giao hàng xuất hiện trước cửa nhà, trên tay anh ta là những món ăn mà cô yêu thích.
Ngay khi biết mẹ chồng là người gọi đồ, Ngọc chỉ muốn ôm chầm lấy bà vì sung sướng. Bà giải thích rằng, ăn uống khoa học là rất tốt, nhưng thi thoảng chiều chuộng khẩu vị của mình cũng có lợi cho tinh thần.
Vào các kỳ nghỉ của gia đình, mẹ chồng là người tình nguyện cho cháu ăn lúc tối muộn và giữ cháu ngủ luôn trong phòng để Ngọc có được một đêm ngon giấc. Với Ngọc, bà không chỉ là một người mẹ, mà còn là một y tá tuyệt vời.
Đôi khi, bà không cần hỏi cũng biết Ngọc đang thèm một bát cháo hoặc một tách trà nóng. Cháu đến tuổi đi mẫu giáo, bà cũng là người nhận trách nhiệm đưa đón và chơi cùng cháu cho đến khi vợ chồng Ngọc đi làm về. Bà rộng lượng đến mức sẵn sàng chào đón và chấp nhận tất cả mọi người với vòng tay rộng mở và chan chứa yêu thương.