Nâng cao đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập

GD&TĐ - Nước ta đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế thị trường quốc tế. Vì vậy, nhất định các giao dịch, tranh chấp thương mại, kinh tế sẽ phát sinh ngày càng nhiều.  

Nâng cao đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập

Minh chứng là các vụ kiện, buộc bồi thường hợp đồng do các tổ chức, cá nhân Việt Nam không am hiểu luật pháp quốc tế mà một số doanh nghiệp, thậm chí kể cả các tập đoàn lớn của nước ta gặp phải. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải sớm xây dựng đội ngũ những người làm công tác pháp luật đủ mạnh, am hiểu, thông hiểu luật pháp quốc tế.

Bên cạnh những người làm trong các cơ quan quản lý Nhà nước thì sự góp sức của đội ngũ luật sư, luật gia có uy tín, kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Những người này ngoài việc phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thì nhất thiết phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là trình độ về ngoại ngữ để có đủ khả năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, Nhà nước khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, việc đào tạo luật sư ở nước ta còn rất nhiều điều cần phải bàn. Đó là chất lượng luật sư chưa cao; đội ngũ giáo viên, giảng viên ở các cơ sở đào tạo luật, nhất là đào tạo luật sư chưa ngang tầm khu vực và quốc tế. Trình độ, kỹ năng hành nghề luật sư ở tầm quốc tế, khi tham gia các phiên tòa ở nước ngoài còn hạn chế. Ở nước ta hiện nay chỉ có duy nhất một cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư đó là Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp. Vì vậy, dù đã rất cố gắng nhưng hàng năm số lượng luật sư được đào tạo còn rất hạn chế, chưa tính đến chất lượng đội ngũ này được đào tạo như thế nào thì còn phải bàn nhiều.

Theo chúng tôi, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo luật sư thì các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho các trường đào tạo luật nếu đủ điều kiện có thể tham gia đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều này, sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo luật sư. Ngoài ra, cần tăng cường giao lưu, trao đổi, cử giảng viên ở các cơ sở đào tạo luật ra nước ngoài học tập, nghiên cứu.

Quan trọng hơn cả là cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành chế độ, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi để cử các cán bộ, công chức có năng lực và nguyện vọng trở thành luật sư (luật sư công) đi đào tạo ở các nước có nền pháp lý tiên tiến. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, thương mại góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng cho công dân, tổ chức và cả của Nhà nước. Điều này hạn chế các rủi ro đáng tiếc xảy ra khi chúng ta tham gia giao dịch, ký kết hợp đồng, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp, tổ chức, đối tác nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ