Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện vùng dân tộc thiểu số tại Bình Gia

GD&TĐ - Huyện Bình Gia đã tập trung chỉ đạo, triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục dân tộc.

Huyện Bình Gia tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Huyện Bình Gia tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Chỉ đạo các trường tăng cường duy trì sỹ số học sinh trong độ tuổi đi học, chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội huy động tối đa trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến trường, bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học.

Bên cạnh đó, công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cũng được tăng cường, qua đó tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện thực hiện giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của học sinh trên cơ sở đó, 100% các trường tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Xây dựng môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động vui chơi, hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể trong và ngoài nhà trường; tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc theo các tài liệu đã được Bộ GDĐT thẩm định và phê duyệt; tăng cường rèn kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong các môn học…

Tại trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, năm học 2023 – 2024, trường có tổng 8 lớp với 153 học sinh, với tổng số học sinh người dân tộc thiểu số trên 90%.

Cô Lâm Sĩ Thế, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia chia sẻ: Cái khó khi giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tiếng Việt chính là ngôn ngữ. Học sinh của nhà trường với trên 90% là học sinh người DTTS do đó trước khi đến trường các em chưa biết tiếng Việt hoặc biết rất ít tiếng Việt, trẻ rất nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin.

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế khó khăn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non. Để hỗ trợ trẻ nắm vững tiếng Việt và tự tin giao tiếp, nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, đồng thời lựa chọn phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy cho các em.

Học sinh trường MN Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trong giờ học nâng cao năng lực Tiếng Việt.

Học sinh trường MN Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trong giờ học nâng cao năng lực Tiếng Việt.

Thực hiện tốt việc đổi mới và phát triển giáo dục dân tộc

Còn tại trường mầm non thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc dạy tiếng Việt luôn được nhà trường chú trọng, nhất là đối với trẻ chuẩn bị vào lớp Một. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên đứng lớp xây dựng kế hoạch năm học, đưa ra những mục tiêu và nội dung cụ thể. Đặc biệt, chú trọng vào lĩnh vực phát triển ngôn ngữ.

Mỗi tuần giáo viên sẽ dạy 1-2 tiết tiếng Việt cho trẻ. Ngoài ra, nhà trường còn tích hợp dạy tiếng Việt cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ: trong giờ chơi, trước khi ăn, trước khi đi ngủ và trong giờ đón và trả trẻ. Tập trung dạy các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, rèn cho trẻ cách phát âm và nhận biết chữ cái cho đúng.

Ông Nông Minh Nhường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, ngành giáo dục huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục dân tộc. Chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới, quy mô trường phổ thông dân tộc bán trú, tăng cường đầu tư các trường, điểm trường có nhiều học sinh phổ thông dân tộc bán trú. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục địa phương, dạy tích hợp, lồng ghép kiến thức văn hóa địa phương trong các môn học. Đồng thời, đổi mới nội dung giáo dục mầm non theo hướng chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ