Chuyển đổi mô hình trường học
Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước cũng đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục. Với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục – đào tạo vùng DTTS trên địa bàn.
Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, chăm lo hỗ trợ cho học sinh và điểm trường, hiện nay huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cũng đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất để Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú từ năm học tới.
Theo đó, từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học, nhà ở với 16 phòng, mỗi phòng 8 em có 4 giường tầng, quạt, điện, nhà vệ sinh; bếp ăn 1 chiều đang gấp rút được hoàn thiện, sẽ đáp ứng nhu cầu ở bán trú của gần 120 học sinh.
Cán bộ phòng giáo dục và đào tạo huyện Đồng Hỷ cùng giáo viên trường Tiểu học số 2 Văn Lăng kiểm tra cơ sở vật chất phòng ở nội trú. |
Cô giáo Định Thị Thuỷ, Hiệu trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện nay trường có tổng số 389 học sinh với 15 lớp. Còn 2 điểm trường là Liên Phương với 136 học sinh và điểm Bản Tèn 120 học sinh, trong đó 92% học sinh là người DTTS chủ yếu là dân tộc Mông.
Trong năm học 2023-2024, dự kiến mô hình trường học nội trú và bán trú sẽ đưa vào sử dụng, giúp cho các em ở 2 điểm trường trên 3km đưa về trung tâm học tập, giúp các em tiếp cận chương trình GDPT 2018, các em sẽ có điều kiện để học Tin học và Tiếng anh.
Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS
Để mô hình bán trú đi vào hiệu quả, ngay từ đầu năm, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, trước khi bế giảng năm học đề nghị giáo viên tuyên truyền tới phụ huynh về những lợi ích khi con theo học tại trường nội trú, tại đây các con sẽ được đảm bảo an toàn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bên cạnh đó, chất lượng học tập sẽ được nâng lên. Bên cạnh đó, nhà trường có kế hoạch chăm sóc, đảm bảo cho học sinh để phụ huynh an tâm tin tưởng.
Từ chủ trương của Đảng, nhà nước hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số nhà trường nhận được thiết bị học tập tiên tiến, bàn ghế đủ tiêu chuẩn, học sinh lớp 1 2 được hỗ trợ đồ dùng học tập, nhà trường đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động ưu tiên mua sắm đồ dùng học tập, tuyên truyền cho các con tới trường học tập 100%, phụ huynh khi được tuyên truyền đều đồng thuận.
Kiểm tra bếp nấu ăn. |
Trong thời gian tới, nhà trường rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, đặc biệt là hỗ trợ đồ dùng học tập với lớp 4, lớp 5 để đảm bảo chương trình 2018, đầu tư cơ sở vật chất để học sinh được học tập sinh hoạt thuận lợi hơn ở nhà để các em thích đi học và đi học vui hơn ở nhà.
Ông Nguyễn Văn Sơn, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đề án chuyển đổi mô hình trường tiểu học số 2 Văn Lăng thành trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Văn Lăng có tổng nguồn vốn đầu tư cho đề án trên 10 tỷ đồng bao gồm nhà 2 tầng 6 phòng học, nhà ở dành cho học sinh nội trú 16 phòng đáp ứng nhu cầu 120 em học sinh, bếp ăn một chiều. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc Miền núi. Dự kiến tháng 8 năm học 2023 - 2024 sẽ chuyển đổi mô hình và đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào DTTS xã Văn Lăng. Việc chuyển đổi mô hình và tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng cho các trường có học sinh người DTTS theo học sẽ góp phần thu hút học sinh DTTS tiếp tục yên tâm học tập.