Nâng cao chất lượng GD tiểu học ở Mông Cổ: Linh hoạt nhiều chương trình

GD&TĐ - Các cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa và vùng có mật độ dân cư thấp ở Mông Cổ đang cần có các giải pháp khác nhau, để HS được tiếp cận với một nền giáo dục tiểu học có chất lượng. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng HS bỏ học, giúp kết quả học tập tốt hơn.

Kết hợp giữa học tập và vui chơi là cách giáo dục đổi mới ở Mông Cổ.
Kết hợp giữa học tập và vui chơi là cách giáo dục đổi mới ở Mông Cổ.

Thực trạng giáo dục 

Tại Mông Cổ, chương trình giáo dục tiểu học bắt buộc được miễn phí cho tất cả HS, bắt đầu từ 6 tuổi. Tuy nhiên, một bộ phận đáng kể HS phải đối mặt với những thách thức trong việc muốn tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng. Những gia đình sống du mục, làm công việc chăn nuôi gia súc hiện chiếm gần 30% trong tổng số dân 3 triệu người ở Mông Cổ. Những gia đình này thường xuyên di chuyển nhiều lần trong năm, để tìm kiếm những đồng cỏ xanh tốt cho đàn gia súc. Điều này khiến họ phải đối mặt với một quyết định khó khăn trong việc cho con cái đến trường. Đó là phải chọn giữa hoặc là gia đình phân tán hoặc trì hoãn việc học hành của con cái. 

Trong khi đó, trẻ em ở những vùng nông thôn cần được học tại một trường nội trú hoặc sống chung với người thân tại các thôn, làng. Mặt khác, đối với một đứa trẻ, việc bị phân tán khỏi gia đình, như người mẹ cùng trẻ di cư đến thôn, làng, để một mình người cha ở lại chăn gia súc, hoặc trẻ bị trì hoãn việc đến trường, đều có ảnh hưởng không tốt về mặt tình cảm – xã hội của trẻ khi lớn lên.

Trên thực tế, hầu hết HS vùng nông thôn ở Mông Cổ đến trường mà không thông qua chương trình giáo dục hệ mầm non, gây không ít khó khăn cho các em trong việc học tập ở trường. Còn tại các ký túc xá, các hoạt động giải trí và phát triển cũng rất khan hiếm. Ngoài ra, các chương trình giáo dục không chính quy dành cho HS bắt đầu từ 10 tuổi, khiến cho nhu cầu giáo dục của HS không được đáp ứng đầy đủ. Vì thế, có khoảng 80% trường hợp HS, từ 6 đến 14 tuổi, phải bỏ học, xảy ra ở các vùng nông thôn, trong đó phần lớn là HS tiểu học.

Cách tiếp cận

Học sinh tiểu học ở Mông Cổ cần một nền giáo dục có chất lượng.
Học sinh tiểu học ở Mông Cổ cần một nền giáo dục có chất lượng.

Nhận thức sớm được vai trò quan trọng của giáo dục chất lượng trong việc phối hợp nhịp nhàng giữa cuộc sống ở trường học, ký túc xá đối với sự phát triển toàn diện của HS, một dự án độc lập, được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản xuất hiện nhằm hỗ trợ nhu cầu giáo dục của HS tại các cộng đồng nông thôn xa xôi ở Mông Cổ. Đây là một dự án có sự tham vấn chặt chẽ giữa các bậc phụ huynh, GV và các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương. Dự án giới thiệu một số chương trình đổi mới, nhằm cải thiện các dịch vụ về giáo dục ở cấp địa phương, đồng thời huy động sự đóng góp của phụ huynh và các thành viên trong cộng đồng.

Những thành quả 

Để chuẩn bị đến trường, phụ huynh có thể dạy cho trẻ học trước tại nhà.
Để chuẩn bị đến trường, phụ huynh có thể dạy cho trẻ học trước tại nhà.

Tạo điều kiện cho HS có cơ hội đến trường: Một số chương trình học tại nhà có thể giúp trẻ em 5 tuổi (hầu hết sống tại các khu vực nông thôn hẻo lánh, bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non), có cơ hội đến trường. Các em sẽ được học các chương trình giáo dục tại nhà, được thiết kế theo phương pháp đặc biệt, cùng những đồ chơi và tài liệu được chọn lọc và có tính giáo dục cao. Trong đó, phụ huynh sẽ đảm nhận vai trò là GV, để tương tác với HS mỗi ngày, thông qua việc học đọc, hát và cùng vui chơi với các em. Họ được đào tạo bởi GV địa phương và kèm theo các tài liệu hướng
dẫn riêng.

Ngoài ra, phụ huynh có thể mượn thêm tài liệu từ thư viện và đồ chơi di động, được thành lập tại các thôn, làng, như một phần của chương trình đào tạo. Theo ước tính, thư viện di động này có khoảng 30 bộ dụng cụ giáo dục, nhiều sách, truyện về giáo dục, đồ chơi, đồ dùng kỹ thuật số và thiết bị nghe nhìn khác. Phụ huynh và HS sẽ luân phiên sử dụng mỗi bộ giáo cụ trong khoảng từ 2 - 3 tuần, và sau đó thay đổi sang bộ khác. 

Đến nay, chương trình nói trên đã giúp khoảng 3.900 HS tại các thôn, làng nằm trong kế hoạch, có đủ điều kiện để chuẩn bị đến trường. Khoảng 2.100 HS đã đăng ký học tại các trường tiểu học trong các năm học từ 2013 - 2016, và 1.800 HS sẽ nhập học vào mùa thu năm tới.
Một nghiên cứu mới đây về giáo dục hệ mầm non tại Mông Cổ cho thấy, các kỹ năng nhận thức và phi nhận thức của HS đăng ký tham gia chương trình tăng cao đáng kể, so với những HS đăng ký vào các chương trình giáo dục thay thế hiện có. Thành quả này còn nhấn mạnh tiềm năng của mô hình giáo dục dựa trên yếu tố gia đình trong việc cải thiện khả năng sẵn sàng đến trường của HS, đặc biệt ở những HS thuộc quần thể dân cư khó tiếp cận với trường lớp.

Toàn bộ thời gian ở trường dành để học và vui chơi: Để giúp HS nông thôn thích nghi với môi trường ký túc xá và dành nhiều thời gian hữu ích sau các giờ học, các trung tâm Phát triển Trẻ em đã được thành lập tại 30 ký túc xá của trường học, với nhiều hoạt động ngoại khóa. Chương trình sau giờ học bao gồm 100 phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp với các hoạt động học tập, giải trí, văn hóa và phát triển, để làm phong phú thêm cuộc sống học đường cho HS. Đến nay, chương trình đã tiếp cận được khoảng 4.400 HS từ 6 - 10 tuổi.

Mô hình chương trình giáo dục đền bù: Trẻ em dưới độ tuổi tiểu học ở các vùng nông thôn, hoặc chưa từng đi học trước đó, giờ đây đã có cơ hội đến trường. Trong số những em bỏ học thường là do bệnh tật, hoặc không có đủ điều kiện đăng ký vào các lớp chính quy, do còn nhỏ. Vì thế, có 6 loại chương trình giáo dục đền bù đã được phát triển nhằm giúp những đối tượng nói trên bắt kịp với chương trình học của các lớp 1, 2, 3. Những chương trình này cho phép HS có thể học tại nhà, với sự hỗ trợ của cha mẹ và sự hướng dẫn từ xa của GV trong các trung tâm học tập tại địa phương. 

Hiện có khoảng 200 HS, bao gồm 80 HS dưới 10 tuổi đã được hưởng lợi, và nhiều HS khác có thể đăng ký học thành công vào các cấp lớp tương ứng trong chương trình này. Ngoài vùng nông thôn, với những HS Mông Cổ đang sống ở nước ngoài, muốn trau dồi thêm tiếng mẹ đẻ của mình, có thể truy cập các chương trình theo hình thức trực tuyến.

Thành lập hội đồng Giáo dục Cộng đồng: Hội đồng Giáo dục Cộng đồng được thành lập tại mỗi 30 thôn, làng, với sự tham gia tự nguyện của phụ huynh, GV và các quan chức chính quyền địa phương. Hội đồng sẽ giúp tổ chức và huy động cho cộng đồng về những lĩnh vực liên quan đến giáo dục và phát triển của trẻ em. Sự hình thành và phát triển của các hội đồng được xem là một trong những yếu tố tích cực nhất đối với giáo dục tại các vùng nông thôn ở Mông Cổ.

Theo World Bank

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ