(GD&TĐ) - Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội là một trường đại học có cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư khá đồng bộ và quy mô lớn trong hệ thống các trường đại học quốc lập. Bước vào thời kỳ đổi mới nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác và liên kết trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, qua đó tranh thủ các nguồn vốn tăng cường đầu tư CSVC đặc biệt là trang thiết bị thí nghiệm thực hành và NCKH.
Một số phòng thí nghiệm do vốn Chính phủ và vốn Jica (nhật bản), vốn Dự án giáo dục đại học (Ngân hàng thế giới)...có tầm cỡ hiện đại không thua kém các trường đại học các nước tiên tiến trên thế giới đã được đầu tư, đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Thực hiện Chỉ thị 296/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010 – 2012, Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai phổ biến rộng rãi và thảo luận ở từng đơn vị với sự tham gia của đông đảo giáo viên, cán bộ, sinh viên. Mỗi khoa, phòng ban đã xây dựng chương trình hành động của mình về đổi mới quản lý góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Và thực tế, không phải từ bây giờ mà những năm gần đây nhà trường đã xác định nâng cao chất lượng đào tạo để phát triển là vấn đề trọng tâm cả trước mắt và lâu dài của nhà trường.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những vấn đề hàng đầu được quan tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ. Nếu bình quân cả nước số cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 10,7% thì ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội con số đó hiện nay là 24,5%; số giáo sư, phó giáo sư chiếm 11,6% (cả nước 3,7%). Để đạt mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, hiện nay trường đang có 225 cán bộ đang được đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cả ở trong và ngoài nước, trong đó phần đông đang đào tạo ở nước ngoài. Kinh phí đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được khai thác từ nhiều nguồn như hợp tác song phương với các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài, cán bộ trẻ có ngoại ngữ tự tìm kiếm học bổng, học bổng từ vốn TRIG, từ vốn Chính phủ 322...Cán bộ giảng dạy trẻ được tạo điều kiện chuẩn bị kiến thức và ngoại ngữ để có thể đi đào tạo ngay từ những năm đầu được tuyển dụng, yêu cầu ngoại ngữ đặt ra ít nhất sau 2 năm được tuyển dụng cán bộ trẻ phải đạt điểm TOEFL 500 trở lên hoặc tương đương. Các giảng viên có trình độ tiến sĩ có kế hoạch và được các khoa, bộ môn tạo điều kiện trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, viết báo để chuẩn bị đủ điều kiện đăng ký ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư để góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của trường trong những năm tới. Các cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm, các giáo sư, phó giáo sư được khuyến khích và tạo điều kiện tốt trong NCKH và hợp tác quốc tế. Hoạt động NCKH đã nâng cao năng lực và kiến thức cho các nhà giáo tạo nên sức sống mới của nhà trường. Mỗi năm đội ngũ các nhà giáo của trường đã có 9 - 10 bài báo quốc tế, hàng trăm bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước. Nhiều nhà khoa học của trường đã đấu thầu và thắng thầu các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ trọng điểm, đề tài NCKH từ bộ Nông nghiệp & PTNT, từ các tỉnh và các dự án quốc tế, kinh phí NCKH hàng năm của nhà trường nhận được từ 40 đến 55 tỷ đồng.
Song song với đó, nhà trường quan tâm đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo theo phương châm bám sát các quy định của Bộ GD&ĐT xây dựng các chương trình đào tạo ngày càng cập nhật kiến thức hiện đại của các nước tiên tiến và các nước có trình độ cao trong khu vực. Từ năm học 2008 - 2009 nhà trường đã triển khai đào tạo theo tín chỉ cho tất cả các ngành học, qua gần 2 năm triển khai đào tạo theo tín chỉ tất cả các thầy cô giáo và sinh viên đã làm quen và đưa học tập vào nền nếp, không bị xáo trộn và làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên. Trường đã xây dựng mới 38 chương trình đào tạo đại học theo tín chỉ, 13 chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, 14 chương trình đào tạo thạc sĩ và 19 chương trình đào tạo tiến sĩ. Có 2 chương trình đào tạo tiên tiến về Khoa học cây trồng và Quản trị kinh doanh theo chương trình đào tạo của UC David và Wisconsin (Mỹ) đào tạo bằng tiếng Anh do các giáo sư Mỹ và Việt Nam giảng dạy đang được triển khai tại trường. Chương trình hợp tác Việt - Bỉ đã mở 1 khóa đầu tiên đào tạo cao học về Xã hội học nông thôn dạy bằng tiếng Anh do các giáo sư Bỉ và Việt Nam giảng dạy. Các môn học đã được cắt giảm tiết lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đến nay hầu hết các môn học chuyên ngành đều có từ 25 đến 33% thời lượng thực tập, thực hành và rèn kỹ năng cho người học. Luận văn tốt nghiệp của sinh viên nhiều ngành đào tạo của trường đã được hướng dẫn theo form của các nước thuộc nền kinh tế thị trường. Hiện nay 55% số môn học đã có giáo trình do cán bộ giảng dạy nhà trường biên soạn và xuất bản. Năm 2009 trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo đại học và đang triển khai xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo thạc sĩ, qua đó người học chủ động nắm được yêu cầu chất lượng sau khi đào tạo, phấn đấu học tập và rèn luyện để đạt chuẩn đầu ra. Sổ tay hướng dẫn sinh viên học theo tín chỉ và tài liệu giới thiệu các môn học đã được xây dựng giúp sinh viên đăng ký học theo tín chỉ thuận lợi. Kế hoạch đào tạo và các hoạt động phục vụ đào tạo đã được xây dựng thống nhất trong toàn trường để giúp thầy và trò nhà trường chủ động trong giảng dạy và học tập, bố trí các hoạt động theo hướng ưu tiên cho học tập của sinh viên, từng bước đưa các hoạt động đào tạo vào kế hoạch ổn định hàng năm. Nhà trường đã khuyến khích các cán bộ giảng dạy đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Hơn 70 % cán bộ giảng dạy sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tổ chức cho sinh viên làm khóa luận, làm bài tập lớn, làm seminar trên lớp, làm việc theo nhóm.... Người học ra trường đã tự tin hơn vì đã được trang bị kiến thức mới, phương pháp và kỹ năng làm việc. Các thày cô giáo và đội ngũ kỹ thuật viên bố trí hướng dẫn các giờ thực tập, thực hành cho sinh viên biết thao tác làm thí nghiệm, biết sử dụng các thiết bị thí nghiệm hiện đại, biết phân tích các chỉ tiêu theo lĩnh vực chuyên môn khá thành thạo.
Trong cơ chế thị trường, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tăng quy mô vững chắc, phù hợp với năng lực đào tạo của trường, không chạy theo số lượng; nếu như năm 2000 số lượng cán bộ giảng dạy của trường là 400 người, quy mô tuyển mới sinh viên chính quy hàng năm là 2.000 sinh viên và 1.500 sinh viên vừa làm vừa học thì năm 2009 số cán bộ giảng dạy của trường là 694 người, quy mô tuyển mới gần 4.000 sinh viên chính quy và gần 2.000 sinh viên vừa làm vừa học. Một số năm gần đây xu hướng một số ngành đào tạo truyền thống của trường về nông học, chăn nuôi có xu hướng giảm, nhà trường đã kịp thời xây dựng một số ngành học mới như Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm, Môi trường, Rau hoa quả và cảnh quan, Quản trị kinh doanh... đã thu hút ngày càng đông sinh viên đăng ký vào học tại trường thúc đẩy quy mô đào tạo của trường ngày càng tăng... Phòng khảo thí triển khai lấy ý kiến sinh viên đánh giá giảng viên trong từng năm học để giúp các thầy cô giáo thấy được những yêu cầu thực tế của sinh viên, lắng nghe ý kiến chính đáng của người học giúp cho việc đổi mới hơn nữa phương pháp và nội dung giảng dạy, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. Cuối tháng 5 năm 2010 trường sẽ tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện đào tạo theo tín chỉ để lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ phận tham gia quản lý đào tạo, các khoa, các thầy cô giáo và sinh viên về những kết quả đạt được, những ưu điểm, những khó khăn, hạn chế và biện pháp khắc phục để đưa đào tạo theo tín chỉ thành nề nếp và mở rộng cho tất cả các hệ đào tạo.
Phát huy những kết quả đạt được trong đổi mới đào tạo những năm qua, nhà trường đang xây dựng và triển khai những hành động cụ thể, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học tập trong nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học để phát triển bền vững góp phần xứng đáng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm mục tiêu phát triển Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội trở thành đại học nghiên cứu đa ngành đến năm 2020, trục "tam giác" cơ bản trong phát triển đã được xác định gồm: Đào tạo đạt chất lượng cao theo nhu cầu xã hội là nhân tố cơ bản xuyên suốt mọi hoạt động của nhà trường; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là điểm nhấn quan trọng; cải tiến quản lý để tạo ra môi trường giáo dục, môi trường học tập lành mạnh. Chủ trương đổi mới quản lý giáo dục đại học của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT sẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi cho Đại học Nông nghiệp Hà Nội cùng các trường ĐH, CĐ trong cả nước tiếp tục phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, ngay tự thân các nhà trường cũng cần phải nhìn ra những mặt yếu kém trong quản lý, điểm yếu về chất lượng đội ngũ, về sự thiếu năng động trong vận dụng chính sách và điều hành để sớm khắc phục và nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS. Quyền Đình Hà
(Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội)