Bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban điều hành Đề án chủ trì hội nghị. Về phía Bộ GD&ĐT, có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đại diện Vụ mầm non tham dự.
Đề án 404 TW triển khai từ năm 2015, ở giai đoạn 1 thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành gồm TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Hương, Đề án 404 TW là điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, đồng thời góp phần thiết thực hỗ trợ nữ công nhân lao động khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất có con dưới 36 tháng tuổi.
Tính đến tháng 10/2017, 8/10 tỉnh, thành đã hỗ trợ, kiện toàn, thành lập mới 283 nhóm/lớp độc lập tư thục, trong đó 38 nhóm được thành lập mới, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1 là 83 nhóm. Các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi được đẩy mạnh…
Qua 3 năm triển khai, đã giải quyết một phần nhu cầu gửi con của nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất với mức học phí thấp, thời gian trông trẻ linh hoạt, đảm bảo chất lượng. Các địa phương đã xã hội hóa được nguồn lực từ chủ nhóm trẻ và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề xã hội của địa phương, tăng cường trách nhiệm quản lý của trường công lập đối với mô hình nhóm trẻ độc lập tư thục.
Như TP Hồ Chí Minh có quyết định hỗ trợ cho chủ các nhóm trẻ mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố, phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020; Đồng Nai đang xây dựng Đề án Hỗ trợ, phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2016 – 2020; Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ xây dựng 1 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục, nâng cấp 2 trường mầm non tư thục từ nhóm trẻ độc lập tư thục.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, trong bối cảnh các tỉnh, thành đều phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 60% là lao động nữ trong khi các trường mầm non công lập quá tải, việc phát triển trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học thì sự ra đời của mô hình nhóm lớp độc lập tự thục là phù hợp với điều kiện làm việc ca kíp của bố mẹ, mức chi phí cũng phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, số lượng các nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép là rất lớn do không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, người chăm sóc chưa được đào tạo. Tình trạng bạo hành trẻ cũng chủ yếu xảy ra ở các nhóm lớp độc lập tư thục nhưng không thể xóa bỏ được loại hình này.
“Đề án 404 TW đã ra đời đúng lúc và đã giải quyết được những khó khăn trên, vừa duy trì, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của các nhóm lớp đang hiện hành, vừa phát triển các nhóm lớp mới. Đề án đã có tác động về nhiều mặt, vừa huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành; nâng cao nhận thức, bảo đảm quyền lợi chăm sóc của trẻ 0-36 tháng tuổi; số nhóm lớp chưa được cấp phép cũng giảm hẳn.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho GV, bảo mẫu của các nhóm lớp ở cả 63 tỉnh thành chứ không chỉ dừng lại ở 10 tỉnh, thành làm điểm. Suy cho cùng, ngành GD&ĐT là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất trước sự phát triển một cách có chất lượng của các nhóm lớp độc lập tư thục” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.