Nàng ái phi trong chậu úp

Sau khi theo dõi và phát hiện “chàng” thư sinh tài năng trong ngày khai hội Tao đàn chính là một cô gái đẹp, ngài Tổng trấn đa tình đã không khó để chinh phục trái tim người đẹp. 

Phù Dung Tự.
Phù Dung Tự.
Thế nhưng, “hồng nhan đa truân”, nàng thứ phi Phù Cừ đã bị bà chánh phi ghen tuông, tìm mọi cách hãm hại. Nhân lúc quan Tổng trấn đi vắng, bà chánh phi đã thẳng tay hành hạ nàng Phù Cừ, làm nàng ngất lịm vì kiệt sức, rồi nhốt nàng trong trong chiếc lu chứa nước…

Lời tỏ tình của ngài Tổng trấn

Một hôm, khi từ dinh trấn trở về, Mạc Thiên Tích chợt bắt gặp nàng Phù Cừ cùng thị nữ Tố Liên đang bơi thuyền hái sen trên mặt ao. Mạc Thiên Tích bèn lấy một chiếc thẻ đề lên 4 chữ "Bất kiến hoa chiêu" (có nghĩa là chẳng thấy hoa nở), rồi đem cắm trên bờ ao và trở về Điệp Thúy lầu chờ đợi. 

Phù Cừ trở lên bờ, trông thấy chiếc thẻ ghi “Bất kiến hoa chiêu” đã hiểu ngay ý của Mạc Tổng trấn, bởi nàng đã thuộc lòng một bài thơ xưa: "Phù dung hoa phát mãn giang hồng/Tận đạo phù dung thắng thiếp dung/Tạc nhựt thiếp tùng đê thượng khứ/Như hà nhơn bất kiến Phù Dung?". (Tạm dịch: Bên sông sen nở nhiều hoa/Người khen hoa đẹp nõn nà hơn em/Trên bờ em đứng em xem/Mọi người sao bỗng không thèm nhìn hoa?).

Cái tứ của bài thơ thật hay, nhưng ý thơ lại quá kiêu kỳ, xa lạ đối với nàng Ái Cơ thùy mỵ. Nàng chợt mỉm cười quay về nơi thư phòng, lấy một mảnh hoa tiên đẹp nhất làm ngay bài thơ theo thể ngụ ngôn tứ tuyệt dâng lên Mạc Tổng trấn: "Mảng chiếu Phù Dung phát/Hoa dung dù thiếp dung/Hữu nhơn đê thượng quá/Bất kiến hoa chiếu trung?" (Tạm dịch: Mặt ao sen nở khắp/Trong hoa lẫn bóng người/Trên bờ ai đứng ngắm/Sao chẳng thấy hoa tươi?).

Trong những dịp thưởng trà vịnh nguyệt, Ái Cơ Phù Cừ thường tự thân lấy trà ngon mang ướp vào trong những búp hoa sen vừa hé nở, sáng sớm ngày sau nàng mới hái lên và gom tất cả số sương còn đọng lại trên lá sen đêm đó, đem đun nước sương này pha trà mời Mạc Tổng trấn cùng đối ẩm cho thêm gợi hứng nguồn thơ. 

Trong một lần như thế, Mạc Tổng trấn và Ái Cơ đã làm một bài thơ theo thể Cổ Phong, nội dung như sau: "Là hoa là trăng hay là sương/Trong trăng trong sương trộn lẫn hương/Hương sương hương trăng hay hương hoa/Tất cả đều là hương tiên nga/Hoa đó hương đó trăng là đó/Hoa nhờ sương tươi nhờ trăng tỏ".

Có một lần mải ngắm trăng, xướng hoa, đến khuya, Ái Cơ mời Mạc Tổng trấn dùng bát cháo trắng, ăn với trứng vịt muối, thấy quả trứng được bổ ra làm đôi, cảm hứng, ngài bèn viết ngay câu đối: "Phá noãn tợ thuyền, mảng tải hoàng kim bạch ngọc" (có nghĩa là: Bổ quả trứng ra, tựa như chiếc thuyền chở đầy vàng ròng ngọc quý).

Sau một thoáng nghĩ ngợi, Ái Cơ Phù Cừ chợt ngẩng lên nhìn thấy chiếc đèn đung đưa, lung linh cùng vầng trăng tỏa sáng vằng vặc trên nền trời cao thăm thẳm. Nàng bèn viết ngay vế đối thứ hai như sau: "Chế qua vi nguyệt, cao huyền tố phách đơn tâm" (có nghĩa là: Làm quả đèn lồng giống hình trái dưa hấu, để sánh ví như vầng trăng, đem treo cao cái phách trắng lòng son của mình). 

Tình thơ, tình văn dần dà hòa trộn với tình yêu, Phù Cừ chính thức trở thành thứ phi của ngài Tổng trấn. Cả trấn Hà Tiên biết chuyện đã mừng cho ngài Tổng trấn có được thứ phi trẻ đẹp, tài cao, rất xứng đôi với ngài.

Mộ Mạc Thiên Tứ.
Mộ Mạc Thiên Tứ.

Gửi mình nơi của Phật

Mạc Thiên Tích vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ đã hết mực sủng ái nàng Ái Cơ Phù Cừ và đó là nguồn cơn cho tai họa ập xuống đầu nàng. Tình yêu thương thiên vị dành cho Phù Cừ trẻ đẹp của Mạc Tổng trấn khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ. 

Mạc Tổng trấn thừa biết tính ý của bà chính thất, nên luôn để mắt che chở, bảo vệ nàng Phù Cừ bé bỏng. Một ngày nọ, có một cuộc thao diễn cơ binh quy mô được chính Chánh thất Hiếu Túc Phu Nhơn khởi xướng và chủ trì. 

Sắp đến giờ khai mạc, phu nhân đột nhiên đổi ý, bà viện lý do vì thân thể bất an và nhất mực đòi cho được Mạc Tổng trấn phải đích thân chủ trì cuộc thao diễn.

Vì tầm quan trọng của lần thao diễn này nên Mạc Tổng trấn không thể nào từ chối được. Ngài đành phải giã từ Ái Cơ, giao cho các nữ binh coi sóc nàng, rồi lên ngựa tiến ra Ngũ Hồ Sơn trong tiếng reo hò vang trời của ba quân tướng sĩ. 

Ngài tự tay châm pháo lệnh mở màn cuộc thao diễn đoàn quân rầm rập lên đường theo từng hồi trống lệnh. Tại thao trường Lộc Trĩ, trời đang độ giữa trưa nắng chang chang, bất chợt mây đem trùm kín bầu trời, sấm giật chớp giăng, rồi cơn mưa to ào ào như trút nước. 

Mạc Tổng trấn linh cảm có điều chẳng lành xảy đến, ngài vội ra lệnh cho ba quân đình hoãn cuộc thao diễn, một mình một ngựa tách khỏi đoàn quân phóng gấp về phủ bất chấp mưa to gió lớn.

Mạc Tổng trấn ghìm cương cho rẽ ngựa vào Thôn Vân Các. Không khí im vắng khác thường, chỉ có vài nữ binh, trên mặt chúng còn hiện rõ nét lo lắng trước sự xuất hiện đột ngột của ông. 

Các nữ binh cứ đứng chết lặng nhìn nhau rồi len lén nhìn ra sân đình đang phủ mờ trong mưa giăng. Mạc Tổng trấn thấy sinh nghi, nên rảo ngựa đi theo hướng ấy. 

Một cảnh tượng lạ hiện ra trước mắt làm Mạc Tổng trấn thêm nghi ngờ: Trời đang mưa mưa to, sao bà chánh thất phu nhân không truyền lệnh cho nữ binh hứng nước mưa, mà để mặc các chậu úp xuống sân. 

Kể cả chiếc bồn Xích Bích quý chuyên dùng hứng nước mưa mà bà chánh thất pha trà cho chồng đãi khách đã hết nước trong mấy tuần nắng hạn vừa qua, nay vẫn còn nằm úp xuống sân. 

Vùng Hà Tiên quanh năm nước mặn, từ dân tới quan đều phải dùng những chậu sành hứng nước mưa dành để dùng quanh năm. Vậy mà đang lúc trời mưa nặng hạt, các chậu hứng nước mưa lại lật úp, điều đó mách bảo với Mạc Tổng trấn có điều gì đó không bình thường.

Tìm nàng Ái Cơ Phù Cừ không thấy đâu, ngài Tổng trấn càng nghi ngờ. Hỏi các nữ binh, chúng im lặng lắc đầu không biết, nhưng mặt mày biến sắc. Một thoáng nghĩ ngợi, Mạc Tổng trấn băng mình dưới mưa, đến góc sân, nhẹ nhàng nghiêng vai đỡ chiếc bồn Xích Bích lên. 

Mạc Thiên Tích bỗng thất sắc kinh hoàng khi nàng Ái Cơ Phù Cừ xuất hiện bên dưới chậu bồn, đang nằm rũ rượi dưới sân, trên ngực nàng chỉ còn thoi thóp hơi thở nhẹ. Một phút bàng hoàng, Mạc Tổng trấn đã hiểu hết sự tình, bà chánh thất đã bày mưu hãm hại nàng thứ phi vì được Mạc Tổng trấn hết lòng sủng ái. 

Ngài Tổng trấn cúi xuống nâng nhẹ Ái Cơ vào lòng, rồi bế nàng về thẳng Điệp Thúy Lâu, gọi lương y đến điều trị cho nàng. Sau khi tỉnh lại, nàng Phù Cừ như trải qua cơn ác mộng, hiểu ra lẽ vô thường huyễn hóa của kiếp nhân sinh. 

Nàng khẩn thiết thỉnh cầu Mạc Tổng trấn hãy đoạn tuyệt hẳn mối duyên thơ và tìm nơi xây dựng riêng cho nàng một ngôi am tự để nàng xa lánh cõi trần, yên tâm tu tịnh.

Thuyết phục mãi mà không thể lay chuyển được ý nguyện của Ái Cơ Phù Cừ, Mạc Tổng trấn đành phải chấp thuận chiều theo cho nàng thỏa nguyện. 

Ông cho xây dựng ngôi chùa trên núi và Ái Cơ Phù Cừ trở thành sư trụ trì đầu tiên, người đời đặt cho ngôi chùa cái tên Phù Dung Tự. Từ dạo ấy, Mạc Tổng trấn thường một mình một ngựa lang thang trên sườn đồi Bát Giác Sơn dõi mắt trông sang tòa Ngọc Hoàng Bửu Điện mong nhìn lại bóng hình người yêu Phù Cừ. 

Nữ sư trụ trì ngôi chùa, nàng Ái Cơ Phù Cừ, một lòng hướng về cõi phật, gạt bỏ hết chuyện trần gian, sống trọn phần đời còn lại dưới mái Phù Dung Tự. 

Trước khi qua đời, bà có làm một bài thơ tự sự, nội dung như sau: "Xuất xứ trần nê cảnh giới tiền/Ung dương thanh bạch đối viêm thiên/Xuân thu nùng đạm quần phương phố/Cao khiết hà như dạ chiếu liên/(Vươn khỏi bùn nhơ thoát vươn lên/Phô lòng trong trắng giữa thiên nhiên/Xuân thu đậm nhạt bao hồng tía/Đừng sánh thanh cao với đóa sen).

Mùa xuân năm Tân Tỵ (1761), nàng Ái Cơ Phù Cừ từ trần đúng vào ngày rằm tháng hai âm lịch, để lại trong lòng Mạc Tổng trấn và người dân Hà Tiên niềm luyến thương tiếc nhớ vô bờ. 

Có người ái mộ nàng Phù Cừ, khi đến viếng Phù Dung Tự đã đề thơ: "Ngó lên Am Tự Phù Cừ/Thương cho người ngọc giã từ lầu son/Về đây nương chốn Thiền môn/Tay lần chuỗi hạt cho mòn ngày xanh/Duyên xưa chẳng bận chi tình/Bụi trần chi để vương cành hoa sen/Nước trong không lựa đánh phèn/Cửa Thiền thanh tịnh não phiền sạch không".

Thiên tình sử giữa ngài Tổng trấn Mạc Thiên Tích và nàng Ái Cơ Phù Cừ tuy kéo dài không lâu, nhưng người đời sau cứ mãi nhắc. Nàng Ái Cơ Phù Cừ từ giã chốn hồng trần để gửi mình nơi cửa Phật, để lại cho đời sau ngôi chùa Phù Dung bàng bạc chuyện nhân duyên. 

Tổng trấn Mạc Thiên Tích tiếp tục trấn giữ vùng biên ải xa xôi của nước Việt, rồi cũng ngã xuống trong binh đao nơi xứ người. Dòng họ Mạc chấm dứt “thời vang bóng”, giờ còn lại khu mộ họ Mạc cách không xa ngôi chùa Phù Dung Tự rêu phong cổ kính.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ