Nan giải bài toán phát triển kinh tế với bảo tồn biển

GD&TĐ - Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng về sinh học cao, với 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.

Bảo tồn và phát huy kinh tế biển vẫn là bài toán khó với các địa phương ở Việt Nam.
Bảo tồn và phát huy kinh tế biển vẫn là bài toán khó với các địa phương ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, vấn đề nan giải trong bảo tồn biển đó là xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể khai thác, cụ thể là xung đột giữa bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế.

Vẫn còn khu bảo tồn '4 không'

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng về sinh học cao, với 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong đó, khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước; gần 660 loài động vật phù du, hơn 400 loài san hô...

Những năm qua, ngành Thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong năm 2022, kinh ngạch xuất khẩu của ngành này đạt trên 10 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,042 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,858 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành kinh tế biển cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển và suy giảm nguồn lợi thủy sản...

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam” hôm 21/12 vừa qua, tại Thanh Hóa. Hội nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ-TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, cho biết: Bảo tồn biển có vài trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế biển ở địa phương.

Bởi, đây là những nơi bảo tồn nguồn gen, nguồn giống phục vụ cho nuôi trồng, nguồn lợi cho khai thác cho y tế, chế phẩm sinh học, khoa học... “Ở đâu ý thức được bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học thì ở đó sẽ phát triển, điển hình như khu bảo tồn Cù Lao Chàm, hiện nay doanh thu đạt tới hơn 20 tỷ đồng mỗi năm, trừ thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm trong việc xây dựng và hình thành hệ thống các khu bảo tồn biển. Đến nay, cả nước có khoảng 11 khu bảo tồn biển đã được thành lập và đang hoạt động, hiện còn khoảng 5 khu chưa được thành lập.

Mặc dù, hiện nay đã hình thành cơ sở pháp lý để quản lý các khu bảo tồn biển hiệu quả; ban hành quy định, quy chế quản lý Nhà nước về bảo tồn biển. Tuy nhiên, công tác quản lý các khu bảo tồn biển vẫn đang còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc.

“Trước hết là nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo tồn biển ở nhiều địa phương còn mờ nhạt. Đây là vấn đề cần phải khắc phục sớm. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức còn nhiều tồn tại, đang còn tình trạng khu bảo tồn “4 không”. Cụ thể là không có tiền, không có người, không phương tiện và không có thẩm quyền”, ông Hùng khẳng định.

Về cơ chế chính sách dù đã ban hành, tuy nhiên ông Hùng cho rằng, cơ chế chính sách vẫn còn thiếu. Trong đó, chính sách dành cho người dân; chính sách huy động sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác bảo tồn cũng như quy định về lượng giá làm cơ sở để thu phí dịch vụ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, từ đó có nguồn tài chính bền vững.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết: Vấn đề nan giải trong bảo tồn biển đó là xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể khai thác, cụ thể là xung đột giữa bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế.

“Xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, chúng ta muốn tăng trưởng nhanh nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào cho hiệu quả và bền vững đó là câu chuyện mà các vùng biển cần phải có bước đi rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho hay.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, để tránh xung đột trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế đó là phát triển kinh tế biển xanh. Nếu đi theo hướng này vừa có thể bảo tồn biển, vừa phát triển kinh tế bền vững.

“Vấn đề khẩn trương hiện nay theo tôi là quy hoạch không gian biển, trong đó có quy hoạch vùng bờ. Bên cạnh chỉ đạo chung của quốc gia về thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW, Luật Bảo vệ môi trường... các bên cũng cần ngồi lại với nhau nhằm bảo đảm tránh xung đột kinh tế giữa các ngành và duy trì hệ sinh thái biển”, ông Chinh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Nếu không bảo tồn hệ sinh thái biển thì không thể phát triển kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, việc bảo tồn biển trong giai đoạn hiện nay cần phải đi vào thực chất hơn, chứ không chỉ nói cho xong chuyện. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đối với công tác bảo tồn và phát triển kinh tế biển, trách nhiệm của người đứng đầu có vai trò vô cùng quan trọng.

“Thế kỷ XXI là thế kỷ của các quốc gia có biển và Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng... Tuy nhiên, nếu không bảo tồn thì sau này muốn phục hồi cũng khó. Vì vậy, giải pháp đặt ra trước hết là nhận thức của người đứng đầu, nhân dân là vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị, địa phương cần triển khai đồng bộ các văn bản quy định pháp luật; mở rộng các khu bảo tồn biển; xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động...

Theo ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, địa phương này có tiềm năng lớn phát triển thủy sản, với diện tích nuôi trồng là 19.200 ha, với đầy đủ loại hình nuôi nước mặn, lợ và nước ngọt và đa dạng hệ sinh thái.

Thanh Hóa hiện nay có khu bảo tồn biển quốc gia Hòn Mê, diện tích 6.700ha, trong đó 6.200ha là diện tích mặt biển. Đối với công tác bảo tồn biển cũng được địa phương rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực để điều tra, nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Mã...

“Chúng tôi rất cần sự thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tương lai thực sự hiệu quả”, ông Giang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.