Nam sinh 'khuyết tật' thể hiện bản lĩnh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nguyễn Đức Thuận là thành viên đặc biệt nhất trong nhóm SV nghiên cứu phần mềm giúp người khiếm khuyết giọng nói có thể giao tiếp bình thường.

Nguyễn Đức Thuận được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2022.
Nguyễn Đức Thuận được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2022.

Sản phẩm của nhóm được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2022.

Con đi học mẹ cũng đi theo

“Ngày ấy, mỗi lần ôm con vào lòng, tôi nuốt ngược nước mắt vào trong. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng bù đắp cho con…”, cô Đỗ Thị Hoài San - mẹ của Thuận - nghẹn ngào mở đầu câu chuyện.

Cô San trải lòng, tuổi thơ của Thuận không có những ngày hè bay nhảy hay đến trường lớp như bạn bè. Những năm tháng đầu đời, em ở trong bệnh viện với những ngày châm cứu, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt. Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) là ngôi nhà thứ 2 của hai mẹ con.

“Một năm có 12 tháng thì 12 tháng Thuận nằm viện, mỗi tháng hai mẹ con chỉ về nhà độ mươi ngày rồi lại lên Hà Nội chữa bệnh”, cô San nhớ lại.

Trong suốt thời gian chữa trị cho con, gánh nặng về kinh tế cũng là điều khiến gia đình trăn trở. Ngoài thời gian đưa, đón con đi học hoặc cuối tuần gửi gắm ông bà, ai thuê gì người mẹ cũng làm, từ may vá thuê tới làm mướn. Chồng chị ngoài giờ làm cũng chạy xe ôm, gom góp tiền cho con đi viện.

Thuận rồi cũng lớn dần theo năm tháng, đến tiểu học, em cũng đi học như bạn bè. Năm lớp 1, lớp 2, kiến thức chưa nhiều, chủ yếu là học và tô chữ, Thuận không khó khăn để theo kịp các bạn trong lớp. Nhưng khi học lớp 3, kiến thức nhiều hơn, cả lớp cặm cụi ghi chép thì Thuận “đánh vật” với chiếc bút, quyển vở.

“Chữ con viết như “mì tôm” thả vào vở. Viết xong con cũng không đọc được. Bấy giờ, có cô giáo khuyên gia đình mua máy tính cho con nhưng kinh tế khó khăn, không có khả năng để mua. Thành ra, đến kỳ thi, con giở sách giáo khoa ra xem, nhớ kiến thức gì thì viết vào bài thi. Lúc thi, con viết cũng chậm. Có bài thi Toán, bạn khác mất 50 phút nghĩ, viết mất 10 phút thì Thuận ngược lại chỉ nghĩ 10 phút và dành 50 phút còn lại để viết…”, mẹ Thuận chia sẻ.

Đến lớp 6, sức khỏe tốt hơn nhưng Thuận vẫn không thể ngồi vững trên ghế. Người bình thường đi được 5 bước thì cậu đi được 1, 2 bước, chân tay co cứng, dáng người lảo đảo, ngả sang hai bên như có thể ngã bất cứ lúc nào.

“Gia đình chỉ biết động viên con cố gắng, vượt qua các chướng ngại từ sinh hoạt đến học tập. Coi nó là những bậc thang vượt qua, tiến đến những nấc cao hơn…”, cô Hoài San tâm sự.

Để con theo đuổi đam mê lập trình, năm Thuận học lớp 11, hai mẹ con gần như ngày nào cũng rong ruổi trên đường từ Quế Võ lên Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Ngày nắng, ngày rét đã khổ, những hôm mưa gió, hai mẹ con ướt hết người. Nhưng vì con, người mẹ vẫn đều đặn mang cơm để cùng con nuôi ước mơ vào đội tuyển tin học.

Năm lớp 11, khi đang theo học một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Thuận đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Với những thành tích đạt được, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã làm hồ sơ tuyển đặc cách bổ sung vào học lớp 12 tại ngôi trường mà em đã từng thi trượt (Trường THPT chuyên Bắc Ninh).

Bước chân vào ngôi trường mới, Thuận phát huy khả năng của mình bằng những giải thưởng cao quý. Nam sinh lọt vào đội tuyển tin học của tỉnh, quốc gia và là 1 trong 15 học sinh của đội tuyển Tin học của Việt Nam dự thi Olympic Tin học châu Á.

Nguyễn Đức Thuận – sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Đức Thuận – sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bước ngoặt từ chiếc laptop cũ

Ngược quá khứ khi Thuận học lớp 5, em nhận “món quà” từ đơn vị quân đội nơi cha đang công tác - một chiếc laptop cũ. Chiếc máy tính tuy không đắt tiền nhưng là tình thương, bảo bọc của những người lính cho con đồng đội.

Theo cô San, từ ngày có chiếc máy tính, Thuận đã thuận lợi hơn trong quá trình học hành. Khi học THCS, thấy Thuận đam mê tin học, người thân đã hướng những dòng mã (code) đầu tiên trong lập trình. Những con số, thuật toán vô tri kia lại cuốn hút Thuận lạ kỳ. Hành trình khám phá tính năng chiếc máy tính của Thuận bắt đầu từ đó.

TS Đỗ Đức Đông, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ, hai thầy trò gặp và quý mến nhau từ trại hè do Trung ương Đoàn tổ chức ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh nhiều năm trước.

Ấn tượng của thầy Đông với cậu học trò quê Kinh Bắc là tính toán chính xác, rõ ràng những dòng code trong đầu rồi mới gõ lên máy tính. Bởi khi lập trình, nếu thuật toán sai thì phải gõ lại từ đầu. Nếu thuận gõ đi gõ lại sẽ mất nhiều thời gian hoàn thành, hiệu quả cũng giảm đi.

“Thuận đã làm được những điều mà người bình thường cũng khó thực hiện. Để đạt được, Thuận phải có nghị lực rất lớn kèm một trí tuệ rất tốt…”, thầy Đông tâm sự.

Để trò thỏa đam mê, TS Đỗ Đức Đông đã gợi ý em tham gia nhóm nghiên cứu phần mềm AI nhận diện và hỗ trợ chuyển đổi phát âm theo ngữ điệu của người khuyết tật giọng nói dưới sự hỗ trợ của PGS.TS Lê Thanh Hà (Trường Đại học Công nghệ).

Nghiên cứu xuất phát từ thực tế nhiều người khuyết tật, người già phát âm không chuẩn hoặc rối loạn giọng nói. Trí tuệ nhân tạo được “cấy” trong phần mềm sẽ nhấn nhá sao cho tự nhiên nhất. Với việc “tự học” từ cá nhân cụ thể, phần mềm này cần tích hợp trong điện thoại, máy tính…

Theo Nguyễn Đức Thuận, khó khăn khi thực hiện nghiên cứu là dữ liệu “nuôi” AI rất ít, tiếng Việt có nhiều giọng điệu, vùng miền, nhiều từ đọc gần giống nhau… Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại, Thuận và các bạn đang tìm tòi để sớm đưa phần mềm thử nghiệm.

“Chúng em cố gắng đưa phần mềm vào cuộc sống. Nó sẽ giúp những người gặp vấn đề phát âm giao tiếp dễ dàng hơn. Cuộc sống sẽ có nhiều niềm vui hơn khi được nói những gì mình mong muốn…”, Nguyễn Đức Thuận bộc bạch.

Chia vui về cựu học sinh Nguyễn Đức Thuận, thầy Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh - nhấn mạnh, Thuận không chỉ là niềm tự hào của thầy trò các thế hệ nhà trường, mà còn lan tỏa về tinh thần, nghị lực học tập cho học sinh đất Kinh Bắc hiếu học.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.