Niềm đam mê với môn học
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Nguyễn Văn Đằng - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh, Nam Định) tự hào cho biết, kết quả của học sinh lớp 12 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhìn chung có sự tiến bộ. Đặc biệt, đóng góp vào thành tích chung đó có em Nguyễn Quang Anh - học sinh lớp 12A1.
Cụ thể, Quang Anh đạt 10 điểm Hóa học; Vật lí: 9,75 điểm; Toán: 9,4 điểm; Ngữ văn: 9,25 điểm; Sinh học: 8,75 điểm; Ngoại ngữ: 8,4 điểm. Tổng điểm tổ hợp A00 (Toán, Vật lí, Hóa học) em đạt 29,15 điểm - cao nhất tỉnh Nam Định.
Đứng thứ 2 với tổng 28,95 điểm khối A00 là em Trịnh Thành Công đến từ Trường THPT Giao Thủy B với 10 điểm Hóa học; Vật lí: 9,75 điểm; Toán: 9,2 điểm; Ngữ văn: 8 điểm; Sinh học: 9,5 điểm; Ngoại ngữ: 10 điểm.
Nói về kết quả trên, Quang Anh cho biết: "Em thực sự khá hài lòng với điểm thi năm nay và vô cùng biết ơn sự đồng hành, chỉ dẫn từ các thầy cô, cha mẹ luôn động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho em học tập. Toán là môn học khá thú vị, mình phải thực sự đam mê và có phương pháp học tập hợp lý thì mới đạt hiệu quả".
Khi học các môn em thường tập trung ôn lý thuyết trong SGK, ôn các dạng bài nâng cao từ thầy cô giao. Trên lớp tập trung nghe giảng và ghi chép các chi tiết nhỏ nhất, về nhà ôn lại các dạng bài tập cho nhuần nhuyễn. Những bài nào khó có thể hỏi thầy cô vào ngày hôm sau. Quang Anh cũng chịu khó sưu tầm các đề trên mạng về giải để rèn kỹ năng làm bài.
Quang Anh cho rằng, học sinh cần nắm vững kiến thức nền tảng, sau đó xây dựng cho mình một sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức. Điều này giúp các em dễ dàng nắm bắt mối liên hệ giữa các khái niệm và định lý trong Toán học. Sau mỗi bài học, hãy dành thời gian làm bài tập từ cơ bản rồi dần chuyển sang những dạng bài nâng cao.
"Đừng chỉ giới hạn mình trong một vài dạng bài tập. Hãy trao đổi với các bạn cùng học sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức và tìm ra những cách giải mới. Học Toán là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì nên đừng nản lòng nếu bạn gặp khó khăn. Khi yêu thích một môn học, bạn sẽ có động lực để học tập tốt hơn", Quang Anh trải lòng.
Thành quả đến từ cả quá trình
Cô Nguyễn Thanh Thúy - giáo viên môn Vật lí và chủ nhiệm lớp 12A1 trao đổi, Quang Anh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường. Dù có thiên hướng theo các môn tự nhiên nhưng không vì thế mà các môn xã hội em bị "học lệch". Bằng chứng là Tiếng Anh em vẫn đạt 8,4 điểm; Ngữ văn 9,25 điểm.
Theo cô Thúy, Quang Anh là một học trò ngoan, thông minh và có tinh thần tự giác rất cao trong học tập. Không chỉ là ở môn Vật lí mà tất cả các môn, em đều có sự cố gắng để nắm bắt tốt nhất kiến thức cơ bản. Với các bài tập khó, em thường chủ động hỏi thầy cô để có những cách giải sáng tạo khác nhau.
Ở nhà, Quang Anh còn một người em trai năm nay đỗ vào lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Bố mẹ làm kinh doanh tự do nhưng rất quan tâm và sát sao tới việc học hành của các con.
Quang Anh thuộc đội tuyển học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Năm lớp 11, em đạt giải Nhì môn Toán cấp tỉnh, giải Ba môn Tin học cấp tỉnh. Năm lớp 12, đạt giải Nhì môn Toán cấp tỉnh.
Cô Thanh Thúy luôn bám sát kế hoạch của nhà trường, tổ bộ môn và xây dựng kế hoạch cá nhân để phân hóa từng nhóm đối tượng trong lớp mình giảng dạy. Với học sinh trung bình khá sẽ dạy khác so với các em học khá giỏi. GVCN có trách nhiệm quan sát tổng thể các môn thi, các em khúc mắc ở những môn nào để tìm giải pháp tháo gỡ.
Tổ Vật lí – Công nghệ có sự chỉ đạo sát sao của cô Phó Hiệu trưởng Trần Hồng Vân luôn bám sát kế hoạch. Giáo viên cũng không giao quá nhiều bài tập về nhà, kết hợp các bài test qua phần mềm Azota, MST, Office 365 gồm 40 câu nhận biết, thông hiểu; bài trên giấy thì thêm vận dụng, vận dụng cao.
Cô Trần Hồng Vân – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, dưới sự chỉ đạo từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đằng, nhà trường xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và chia theo từng giai đoạn để ôn thi tốt nghiệp cho học sinh. Đồng thời xây dựng kế hoạch của tổ chuyên môn, đặt mục tiêu, chỉ tiêu và đưa ra các giải pháp cho từng bộ phận.
Trên cơ sở kế hoạch chung đó, các thầy cô đưa ra giải pháp cụ thể và phân nhóm đối tượng cho từng lớp. Khuyến khích khả năng tự học cho học sinh, trao đổi chia sẻ trong lớp. Thầy cô đồng hành với học sinh, BGH đồng hành với giáo viên, tổ chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ khó khăn và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
"Khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa thì phân tích kỹ để biết được mức độ khó của đề. Qua mỗi đợt khảo sát trước khi thi chính thức, thầy trò đều có sự rút kinh nghiệm. Hiện nay, học sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, nhất là theo hình thức ĐGNL, ĐGTD của các đại học lớn nên cả thầy trò đều rất quyết tâm", cô Hồng Vân nói.
Trong đợt xét tuyển đại học năm nay, Quang Anh đặt nguyện vọng 1 vào ngành IT1 của ĐH Bách khoa Hà Nội; nguyện vọng 2 là ngành Công nghệ 1 của Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội). Với tính cách năng động, tự tin và thích tham gia các hoạt động tập thể của lớp và trường, nam sinh ước mơ sau này sẽ làm một lập trình viên.