Năm Hợi, ăn bún bò giò heo

GD&TĐ - Bún bò, bún bò Huế, hay bún bò giò heo xứ Huế là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012 và là một trong 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Nếu thực khách đến Huế thưởng thức món ăn này, sẽ hiểu danh tiếng ấy không phải là sự “tâng bốc”.

Người bán hàng hỏi kỹ khẩu vị từng thực khách
Người bán hàng hỏi kỹ khẩu vị từng thực khách

Làng nghề nức tiếng

Nhắc đến bún bò giò heo xứ Huế phải nói đến nghề làm bún ở Huế. Thủy tổ của nghề làm bún tại làng Vân Cù (thị xã Hương Trà), làng bún nổi tiếng và xa xưa của Huế, là Cô Bún.

Chuyện xưa kể lại rằng: Khi những người Đàng Ngoài theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng nam tiến lập nghiệp, có một nhóm người đến định cư trong vùng những Tháp Chăm cổ đã đổ nát nên sau này có tên là làng Cổ Tháp, nay thuộc huyện Quảng Điền. Trong lúc mọi người chuyên sống bằng nghề canh tác làm ruộng thì có một người thiếu nữ sáng chế ra nghề làm bún. Nhưng một dạo dân trong vùng bị mất mùa liên tiếp và kẻ xấu bụng tung tin rằng, mất mùa là do thần linh quở phạt vì Cô Bún đã đem gạo là “hạt ngọc của Trời” ra mà ngâm, mà chà, mà xát, mà nghiến nát ra để làm bún.

Thế là Cô Bún hoặc phải bỏ nghề làm bún hoặc sẽ bị trục xuất ra khỏi làng, nhưng Cô Bún quyết sống chết với nghề nên chấp nhận ra đi. Năm người thanh niên mạnh nhất trong làng tình nguyện theo áp tải cái cối đá làm bún và Cô Bún đến vùng đất mới. Cứ thế, đoàn người đi về hướng Đông ven theo sông Bồ. Nơi người trai làng thứ năm khuỵu xuống với cái cối đá trên vai là làng Vân Cù ngày nay. Tại đây Cô Bún lập nghiệp và truyền nghề để nghề làm bún tồn tại cho đến ngày nay. Từ nguyên liệu là bún, thêm vào thịt bò, thịt heo, nước dùng, sả, ruốc, ớt… đã khai sinh món bún bò giò heo xứ Huế trứ danh.

Thơm ngon, cay nồng tô bún bò giò heo xứ Huế
  • Thơm ngon, cay nồng tô bún bò giò heo xứ Huế

Thơm ngon và cay nồng

Sáng sớm ngủ dậy, tôi thường đến quán o Hương ở đường Chi Lăng, đoạn gần đường Hồ Xuân Hương, thành phố Huế. Thực khách luôn đông nghịt. Vào quán, thích ăn bún bò giò heo kiểu gì, như thêm chả, thêm huyết…, chỉ cần gọi chủ quán là xong. Sau đó, ngồi vào bàn lau đũa và chờ. Bún và nước dùng được chủ quán múc vào tô, nóng hổi đặt lên bàn, thêm đĩa rau sống ăn kèm. Vị ngon của món ăn khiến vị giác của tôi luôn được kích thích đến tuyệt diệu.

Với lòng tự hào về món ăn độc đáo này của quê hương xứ sở, mấy mệ mấy o ở Huế thường hỏi rất chi li về khẩu vị của khách bởi sợ khách ăn không được ngon miệng. Như, khách có ăn cay không, có cần khoát nước màu cho đỡ cay, đỡ chất béo không? Bởi thế, ăn một tô bún bò giò heo xứ Huế, du khách không những được thưởng thức một món ngon của vùng đất cố đô mà còn được thụ hưởng cả nét văn hóa ứng xử đầy lòng hiếu khách của cư dân đất Thần kinh.

Những lúc mưa rét, ăn một tô bún bò giò heo xứ Huế không chỉ ngon miệng, du khách sẽ có ngay cảm giác cả thân thể được sưởi ấm tức thì bởi sức nóng hừng hực khi áp tay vào vành tô bún vừa mới được múc từ nồi nước lèo đun trên bếp lửa đỏ rực đem lên bàn ăn. Nồi bún bò giò heo xứ Huế với nước bún, thịt bò, giò heo, chả tôm, gạch cua, huyết… được người phụ nữ Huế đảm đang nội trợ nêm nếm sả, ớt màu, ớt bột, tiêu, tỏi, hành… rất tính toán, chi li, cẩn thận, cốt sao để phù hợp với khí trời và khẩu vị chung cho cả các khách hàng. Du khách chưa đủ “áp phê” còn có thể tự mình nêm nếm thêm ớt tươi, ớt tương hay nước mắm ớt tỏi. Do đó, ăn bún bò giò heo xứ Huế có thể làm tăng nhiệt, giúp cho cơ thể có sự tuần hoàn khỏe mạnh vào những ngày trời đông giá rét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ