Giáo dục học sinh biết lao động vệ sinh trường lớp
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa – cho biết: Để chuẩn bị vào năm học mới 2015 - 2016, ở cấp tiểu học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT chỉ đạo kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất vào đầu năm học của nhà trường, như tổng vệ sinh trường, trang trí lớp học, sơn sửa tường nhà, cổng trường, hàng rào..., tạo mĩ quan trường học xanh sạch đẹp...
Theo Phó giám đốc Hoàng Thị Lý, khi trực tiếp lao động, học sinh biết cách chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ, qua đó giáo dục thực hành kỹ năng sống, giúp hình thành một số năng lực ban đầu cho học sinh.
Không phân lớp theo nhóm đối tượng học sinh
Về phân công, xếp lớp học sinh, Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường cần đảm bảo công khai, minh bạch, có căn cứ, phù hợp với năng lực của giáo viên và đối tượng học sinh nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy.
Việc phân công phải được sự thống nhất của Hội đồng giáo dục và tất cả giáo viên của nhà trường.
Các trường có thể phân công giáo viên dạy theo môn nhưng phải đảm bảo đúng đặc trưng của lứa tuổi tiểu học và không được phân công một giáo viên dạy quá nhiều khối lớp.
Việc xếp lớp, Sở yêu cầu, cần ổn định, chỉ thay đổi khi thật sự cần thiết, không phân lớp theo nhóm đối tượng học sinh.
Phó giám đốc Hoàng Thị Lý cho biết: Ngay cả việc xếp thời khóa biểu, Sở GD&ĐT cũng lưu ý các trường phải được tính toán hợp lý, tránh tình trạng xếp thời khóa biểu để thuận tiện cho giáo viên trong công việc mà không quan tâm đến sức khỏe, tâm lý học sinh.
Sổ sách giáo viên: Không ghi chép tràn lan, có tính đối phó
Sổ sách giáo viên, hồ sơ học sinh là một trong những vấn đề được Sở GD&ĐT Khánh Hòa lưu ý.
Theo đó, Sổ chủ nhiệm được quy định rõ là để ghi theo nhiệm vụ công tác, có đầy đủ các thông tin liên quan để đánh giá công tác chủ nhiệm của giáo viên và hoạt động giáo dục của lớp học. Không ghi chép tràn lan, có tính đối phó.
Đối với các lớp có học sinh học tập, rèn luyện chưa đạt yêu ầu, giáo viên ghi việc theo dõi, kế hoạch, biện pháp giúp đỡ và kết quả thực hiện vào sổ này, không thực hiện hồ sơ riêng biết như đã hướng dẫn trong các năm học trước.
Với giáo án (Kế hoạch bài giảng/bài soạn), đây là phương tiện để giúp giáo viên trong quá trình giảng dạy. Giáo án thể hiện sự chuẩn bị, năng lực sư phạm của giáo viên.
Bởi vậy, Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường cần quản lí và kiểm tra thường xuyên để không xảy ra trường hợp giáo viên phô tô, sao chép giáo án.
Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp: Sử dụng để ghi chép kế hoạch giảng dạy, nội dung các cuộc họp, nội dung bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên...; thăm lớp, dự giờ các tiết dạy của đồng nghiệp để học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giáo viên chỉ nhận xét, không nhất thiết phải đánh giá, xếp loại tiết dạy.
Các trường có thể tách riêng Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp thành Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn và Sổ dự giờ, thăm lớp.
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục: Nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc việc sử dụng Sổ theo dõi chất lượng giáo dục để đánh giá học sinh tiểu học, việc sửa chữa phải thực hiện đúng quy định, tránh tình trạng tẩy sửa quá nhiều. Ban Giám hiệm nhà trường có trách nhiệm kiểm tra, kí xác nhận đầy đủ.
Về hồ sơ học sinh thực hiện theo Thông tư 30, Sở GĐ&ĐT hướng dẫn cụ thể đối với Sổ liên lạc, Học bạ, Sổ theo dõi tiến bộ, kế hoạch giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật được đánh giá theo sự tiến bộ của trẻ.